Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây, nhiều nơi lạm dụng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamon nhằm tăng tỷ lệ nạc cho vật nuôi. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã phát động đợt cao điểm về an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đây là vấn đề nóng, trở nên trầm trọng trong thời gian qua, khi nhiều mẫu sản phẩm chăn nuôi tồn dư chất kháng sinh, chất cấm. Ngày 9/11, có hơn 500 lô hàng bị trả về, trong đó có 10% tồn dư kháng sinh, chất cấm. Hiện chăn nuôi nhỏ lẻ có hàng triệu hộ tham gia nên rất khó kiểm soát.
Cán bộ thú y tỉnh Bến Tre kiểm tra tại cơ sở bán thức ăn chăn nuôi lợn ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, chất cấm ngày càng được sử dụng tinh vi. Sở tiếp tục chỉ đạo thanh kiểm tra, sẵn sàng phối hợp với các ban, ngành để kiểm soát.
Trong 10 tháng của năm 2015, Cục Chăn nuôi đã cùng với một số địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Kết quả, phát hiện 1/19 mẫu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) dương tính với chất Salbutamon, chiếm 5,3%. Tại cơ sở giết mổ, có 106/587 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamon, chiếm 18,1%, tập trung tại Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Nồng độ chất Salbutamon trong các mẫu nước tiểu rất cao.
Cục Chăn nuôi cho biết, tình hình sử dụng chất cấm, đặc biệt là Salbutamon và chất Vàng Ô (nguyên liệu làm ve quét tường trong xây dựng hoặc sử dụng để nhuộm vải để tạo màu vàng cho thịt gà trong quá trình chăn nuôi) có chiều hướng ngày gia tăng, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ, ở những địa bàn có thị trường tiêu thụ lợn nhiều. Điều đáng quan ngại là tồn dư các loại chất này trong thực phẩm có thể gây ung thư cho người sử dụng.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sẽ triển khai chương trình trên toàn quốc, phối hợp với công an làm mẫu, không thể để xảy ra tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan, coi thường luật pháp. Cần tăng cường kinh phí để kiểm tra chất cấm trong trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ sản phẩm có chất cấm ra thị trường, tăng cường kiểm tra đột xuất, không thông báo trước đối với các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thức ăn.
Theo Cục Chăn nuôi, các địa phương cần tuyên truyền phổ biến thường xuyên cho người chăn nuôi, người tiêu dùng các cấp quản lý nắm được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Phát động phong trào tẩy chay “nói không với chất cấm” trong các đoàn thể quần chúng. Khuyến khích việc ký cam kết không buôn bán, sử dụng chất cấm của các đối tượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng TĂCN, sản phẩm chăn nuôi.