Vấn nạn bơm nước, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Để kiếm lời bất chính, các trang trại, lò mổ, thương lái bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, bơm nước vào lợn để tăng trọng lượng. Thậm chí nhiều trang trại còn dùng mầu trong xây dựng, ve quét tường trộn vào thức ăn để tạo mầu cho gia cầm, chất này có thể gây ung thư, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.


Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tình trạng bơm nước vào lợn đã xuất hiện từ lâu, nhưng thời gian gần đây, việc làm này diễn ra ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong đợt kiểm tra các trang trại, lò mổ ở một số tỉnh phía Nam vừa qua, tại nhiều nơi, các cơ quan chức năng không bắt được “tận tay” việc bơm nước, nhưng thông qua điều tra công nhân, người dân xung quanh đã chứng minh được các trang trại này có bơm nước vào lợn.

Dụng cụ bơm nước vào lợn bị phát hiện tại lò mổ ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai. Ảnh:  Thanh Liêm - TTXVN

Điển hình, vào cuối tháng 9/2015, Chi cục Thú y Bạc Liêu kiểm tra đột xuất lò giết mổ gia súc lớn ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai. Khi đoàn kiểm tra đến, phát hiện nhiều lợn liên tục nôn ra thức ăn, trên mõm vẫn còn rớm máu, không đứng dậy nổi. Tất cả đều có dấu hiệu bị bơm nước và đang chờ giết mổ. Cán bộ thú y còn phát hiện các bộ dụng cụ dùng để bơm nước vào lợn được giấu gần đó.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ lò mổ thừa nhận, họ bơm nước vào lợn trước khi giết mổ, đây đã trở thành "quy tắc" mà mỗi lái lợn tại Láng Tròn đều thuộc lòng. Thực tế, các chủ lò mổ lợn tại đây đã từng bị phạt vài lần về hành vi bơm nước vào lợn, đã ký cam kết không bơm nước vào lợn trước khi giết mổ, nhưng vì lợi nhuận nên không ai thực hiện.

Còn tại các lò mổ ở chợ Trưởng Tòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) hoạt động bơm nước vào lợn được thực hiện khá tinh vi, canh giữ nghiêm ngặt. Ngoài cổng rào bên ngoài khu lò mổ, phía trong còn một cánh cổng được bạt cao su che kín. Khi bị kiểm tra bất ngờ, trong lúc đợi chủ lò mổ đến mở cổng, những người giết mổ bên trong đã nhanh chóng mổ hết số lợn đã được bơm nước để phi tang.

Khi đoàn kiểm tra vào được khu giết mổ, bên trong là hơn 20 con lợn đã chết nằm lăn lóc. Theo một cán bộ thú y trong đoàn, bình thường công nhân sẽ dùng xô chậu để hứng tiết lợn. Tuy nhiên, do đoàn kiểm tra đến bất ngờ nên họ phải nhanh chóng giết hết số lợn để phi tang chứng cứ lợn bị bơm nước. Khi lợn đã chết thì không thể tiến hành xử phạt.

Còn tại Vĩnh Long, ông Lê Thành Tùng, Chi Cục trưởng Chi Cục thú y tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian gần đây, việc bơm nước vào lợn diễn ra nhiều hơn, khi bị kiểm soát, các lò mổ không bơm tại lò nữa, mà bơm bước ở nhiều địa diểm khác, thậm chí bơm cả trên xe tải, mỗi lần bơm khoảng 15 phút họ lại di chuyển sang chỗ khác. Khi cơ quan chức năng tới nơi, họ đã di chuyển tới địa điểm khác, rất khó kiểm soát. Dụng cụ sơ sài, dễ dàng phi tang.

Theo các chuyên gia, mỗi ngày một con lợn tiêu thụ khoảng 15 lít nước, một phần ngấm vào tế bào thịt tham gia vào quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, một phần thải ra ngoài. Khi lợn bị cưỡng bức bơm, một lượng nước lớn hơn sẽ đi vào thịt. Khi đem lợn đi giết mổ ngay, thịt sẽ chứa nhiều nước hơn. Người tiêu dùng mua phải thịt này sẽ bị thiệt thòi. Đáng lo ngại hơn, nếu dùng nước bẩn bơm vào lợn, trong nước có nhiều mầm bệnh, khi vào đường tiêu hóa, rất có khả năng lây nhiễm vào thịt. Nếu không nấu chín thì dễ bị nhiễm bệnh.

Hiện nay, người tiêu dùng rất lo lắng trước tình trạng bơm nước vào lợn nhưng đa phần không nhận biết được đâu là lợn bị bơm nước, mà chủ yếu đặt niềm tin vào người bán hàng. Theo các chuyên gia, để phân biệt thịt lợn bơm nước, cần dựa vào mầu sắc và cảm giác súc giác, thịt ngon thì có độ săn chắc nhất định, có cảm giác đàn hồi, màng thịt khô ráo, khi ấn tay vào tạo ra vết lõm, nhấc tay ra thì sẽ mất đi. Thịt bị bơm nước có mầu trắng xám, nhợt nhạt, miếng thịt bị nhũn vì chứa nhiều nước, nước có thể thấm ướt bàn hoặc giấy lót thịt. Những quầy bán thịt bơm nước thường có lót nhiều giấy để thấm nước. Khi ấn tay vào thì tạo ra vết lõm, không đàn hồi được.

Sử dụng hóa chất, chất cấm để vỗ béo, tạo mầu

Không chỉ bơm nước vào lợn, trong thời gian qua Bộ NN&PTNT đã phát hiện và xử lý nhiều trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để vỗ béo lợn. Khi sự việc còn chưa được lắng xuống, Bộ NN&PTNT lại phát hiện thêm nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm sử dụng hóa chất trộn vào thức ăn cho gia cầm.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, lực lượng thanh tra của Bộ đang phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam kiểm tra chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi. Yêu cầu hai công ty chăn nuôi là Anco và Công ty CP Việt Nam phối hợp với cơ quan thú y giám sát chặt chẽ quá trình xuất lợn thương phẩm bán ra thị trường, bởi thời gian qua, thương lái sau khi mua lợn của hai công ty này đã sử dụng chất cấm để vỗ béo nhằm thu lợi bất chính.

Đáng chú ý, qua đơn tố giác, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Chăn nuôi, Cảnh sát môi trường kiểm tra đột xuất, phát hiện ra thêm một chất mới được sử dụng trong chăn nuôi được gọi là Vàng ô. Qua phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích, kết quả cho thấy đây là chất gây ung thư.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Vàng ô là chất tạo màu được nhập về từ nước ngoài, sử dụng để nhuộm màu vải sợi và làm ve tường trong xây dựng. Đây không phải là hóa chất nằm trong danh mục 22 chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, nhưng lại không nằm trong danh mục những chất được phép sử dụng, gây hại cho sức khỏe.

“Vàng ô được trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu sắc hấp dẫn cho cả thức ăn cũng như sản phẩm thịt, chủ yếu là trong chăn nuôi gà. Chất này hầu như không bị giải trừ trong quá trình sinh trưởng của vật nuôi. Làm cho thịt gà, thịt lợn có màu sắc đẹp, bắt mắt hơn. Việc sử dụng Vàng ô không chỉ góp phần làm tăng giá thành chăn nuôi mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Dương cho biết thêm.

Hữu Vinh - Thanh Liêm
Có thể hình sự hóa các vi phạm trong chăn nuôi
Có thể hình sự hóa các vi phạm trong chăn nuôi

Theo Bộ NN&PTNT, cần xử lý “mạnh tay” với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gian lận để thu lợi bất chính, nhất là khi Việt Nam vừa ký kết gia nhập TPP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN