Cùng với không khí vui xuân trên cả nước, trong những ngày đầu tháng Giêng năm Ất Mùi (2015), hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ trên khắp cả nước đã diễn ra ở nhiều vùng, nhiều địa phương khác nhau. Cùng với sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của các cấp, các ngành, mùa lễ hội đầu năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận.
Đẹp và chưa đẹpĐiểm lại những lễ hội lớn đã diễn ra từ đầu năm đến nay như lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Hội Lim, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Hội đền Trần (Nam Định)… có thể thấy, công tác tổ chức, quản lý lễ hội của các địa phương đang dần được nâng cao, từng bước đi vào ổn định, những tồn tại đang dần được khắc phục.
Rước voi trong lễ hội đền Gióng.Ảnh: Lê Phú |
Lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong năm, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Những năm trước, du khách đi lễ chùa thường phàn nàn về công tác vệ sinh môi trường, về nạn chặt chém, cò mồi du khách… nhưng trong mùa lễ hội năm nay, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”, lễ hội chùa Hương năm nay đã bớt đi những hình ảnh phản cảm. Không còn tình trạng treo, xẻ thịt động vật trước các cửa hàng quán. Nạn đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ năm nay cũng đã giảm nhiều. Tình trạng cò mồi níu kéo du khách cũng được quản lý chặt hơn, số lượng đò được tăng thêm để tránh tình trạng quá tải…
Hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh) - một trong những lễ hội lớn, kéo dài hết tháng 3 âm lịch hàng năm - cũng là một trong số những lễ hội được tổ chức rất tốt, cả về công tác an ninh, trật tự, cả về công tác tổ chức…
Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng du khách đổ về Yên Tử lễ Phật rất đông, mỗi ngày đón hàng vạn du khách, nhưng dòng người trảy hội rất nề nếp, trật tự. BTC thường xuyên bố trí lực lượng an ninh phân luồng, hướng dẫn cho du khách đi lại đúng đường, đúng tuyến, nên dù rất đông, du khách nhưng không xảy ra ùn tắc, chen lấn, xô đẩy... Bên cạnh việc phân luồng, hướng dẫn du khách, BTC cũng có thái độ nghiêm khắc xử lý những trường hợp cố tình vi phạm… Không chỉ đảm bảo về phân luồng giao thông, mà công tác vệ sinh môi trường cũng tốt hơn, tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách cũng tuyệt nhiên không có, khiến du khách khi đến lễ Phật rất hài lòng, bởi họ tìm được cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản khi về với đất Phật.
Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), một trong những điểm “nóng” về lễ hội đầu xuân những năm trước, thì năm nay cũng đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Nếu như những năm trước, khấn thuê, lễ mướn vốn là một trong những vấn nạn thường được nhắc tới ở đền Bà Chúa Kho, khiến nhiều du khách bức xúc vì bị lừa, thì năm nay, Ban quản lý đã có khá nhiều biện pháp tích cực để giải quyết tình trạng này. Cùng với việc cấm các đối tượng khấn thuê trong khu vực di tích, BTC còn trưng biển cảnh báo, đồng thời thường xuyên nhắc nhở du khách không thuê khấn trên loa phát thanh... Đặc biệt, nhà đền còn phân công cho các thủ nhang thường trực ở các ban thờ, nếu có du khách nào không biết khấn, cần người khấn hộ, thì thủ nhang sẽ khấn giúp mà không thu phí.
Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội lành mạnh, văn minh, vẫn còn một số lễ hội chưa đẹp. Đến Hội đền Gióng, nhiều du khách thấy phản cảm với hình ảnh đánh nhau để cướp giò hoa tre, cướp trầu cau. Lễ hội Cướp phết ở Hiền Quan, Tam Nông (Phú Thọ) cũng bị nhiều người lên án vì tình trạng tranh cướp, dẫn đến ẩu đả, thậm chí có người bị giẫm đạp đến ngất xỉu. Đến hội Lim (Bắc Ninh), du khách lại bức xúc vì tình trạng “chặt chém” của các hàng quán. Ông Lưu Đức Nghĩa, một du khách đến từ Hà Nội bức xúc: “Tôi thấy công tác tổ chức lễ hội năm nay thì tốt, nhưng giá dịch vụ ăn uống ở đây quá đắt, trong khi chất lượng thì quá chán, bát phở 50.000 đồng mà ăn không ra làm sao, tôi ăn không hết nửa bát”.
Tăng cường quản lý Ở Việt Nam, từ bao đời nay, lễ hội luôn tồn tại như một sợi dây gắn kết cộng đồng. Lễ hội là nơi để các tầng lớp nhân dân về với cội nguồn, ghi nhớ đến công đức của cha ông, cũng như tưởng nhớ đến lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời, đây cũng là nơi để mọi người được vui chơi, giải trí trong những ngày đầu xuân năm mới… Tuy nhiên, trải qua thời gian, cùng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhiều lễ hội đã bị lợi dụng, bị thương mại hóa, xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, nhiều hình ảnh xấu, trong khi giá trị văn hóa cũng như tính thiêng của lễ hội đang bị suy giảm.
Để tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội, để lễ hội ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn, trước mùa lễ hội 2015, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện số 229/CĐ-TTg yêu cầu các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chỉ thị của Ban Bí thư cũng như Công điện của Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu các địa phương tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng và các hoạt động vui chơi, giải trí trong lễ hội hợp lý, lành mạnh; ngăn chặn, khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật.
Thực hiện nghiêm việc quản lý đốt vàng mã, sử dụng đồng tiền Việt Nam đúng quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan, môi trường tại các lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội. Quản lý chặt chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, xử lý nghiêm các cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá…
Đặc biệt, trước nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến một số lễ hội như Hội Chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh), Hội Cướp phết, lễ hội chọi trâu… trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu loại bỏ các hủ tục trong các lễ hội không còn phù hợp với xã hội văn minh; việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng, nhưng phải chú trọng đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn.
Phương Lan