Thủ tục rắc rối
Thời gian qua, liên ngành tư pháp đã tổ chức công bố quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) sau gần nửa thế kỷ ông bị coi là kẻ “giết người, cướp của”. Đây không phải vụ án oan đầu tiên ở Việt Nam, trước đó, dư luận từng biết đến hai vụ án oan nổi tiếng của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận và ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Mặc dù các trường hợp đã được xin lỗi và chứng minh vô tội nhưng thủ tục đòi bồi thường còn rất nhiêu khê và mất nhiều thời gian.
Trước hết, Luật TNBTCNN quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có “văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật”. Sau khi có văn bản này, người bị thiệt hại mới chính thức bắt đầu thủ tục yêu cầu bồi thường gồm đơn yêu cầu bồi thường, văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường. Nhiều ý kiến lo ngại các cơ quan tố tụng có thể lạm dụng quy định để bắt người bị thiệt hại cung cấp tài liệu, chứng cứ mà họ không có khả năng thực hiện. Chẳng hạn luật sư của ông Nguyễn Thanh Chấn cho hay, tòa án từng yêu cầu ông Chấn phải nộp hơn 100 loại giấy tờ khi giải quyết yêu cầu bồi thường.
Ông Trần Văn Thêm, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đòi bồi thường hơn 12 tỷ đồng sau gần nửa thế kỷ ông bị coi là kẻ “giết người, cướp của”. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN |
Bên cạnh đó, một bất cập lớn khác là luật quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại. Như vậy, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có thể phát sinh ở cả bốn cấp: trung ương, tỉnh, huyện và xã.
Các chuyên gia chỉ ra rằng chính mô hình cơ quan giải quyết bồi thường phân tán là nguyên nhân dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy hoặc tranh chấp trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, khiến các vụ việc bồi thường bị kéo dài. Đồng thời, quy định trên cũng dẫn đến tình trạng các cơ quan phải bồi thường không khách quan, bao che cho công chức làm sai của mình. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhận xét, với quy định này, “chúng ta đang tự làm khó mình” bởi “đây là món không ai muốn nhận về mình cả”.
Vụ việc của ông Phan Văn Lá (người mang thân phận bị can suốt 21 năm) là minh chứng rõ nhất cho bất cập này. Sự việc xảy ra từ năm 1991 nhưng mãi tới cuối tháng 9/2015, ông Lá mới được Công an huyện Châu Thành (Long An) xin lỗi và bồi thường 300 triệu đồng. Trong suốt quãng thời gian này là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng của huyện Châu Thành. Đến thời điểm cuối tháng 9/2013, TAND tỉnh Long An tổ chức họp liên ngành, kết quả vẫn không xác định được cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường, chỉ đi đến thống nhất “mỗi ngành có văn bản xin ý kiến của các ngành trung ương”. Lên tới trung ương, VKSND Tối cao và Bộ Công an cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc TAND huyện Châu Thành, trong khi TAND Tối cao lại nói thuộc công an huyện…
Thống nhất đầu mối giải quyết bồi thường
Trước những bất cập này, Bộ Tư pháp đã đề xuất tinh giản số lượng cơ quan giải quyết bồi thường vì theo Luật hiện hành, số lượng cơ quan giải quyết bồi thường là rất lớn từ cấp xã đến cấp Trung ương. Nếu theo phương án thu gọn này, ước tính số lượng cơ quan giải quyết bồi thường trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm từ khoảng 25.000 xuống chỉ còn khoảng hơn 1.000 cơ quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi cần quy định cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng TANDTC, TAND cấp cao, VKSNDTC, VKSND cấp cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan giải quyết bồi thường khi chính mình là cơ quan gây thiệt hại. Đặc biệt, cần quy định UBND cấp tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan giải quyết bồi thường tập trung đối với các vụ việc mà cơ quan gây thiệt hại là UBND, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện; UBND cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường tập trung đối với vụ việc mà cơ quan gây thiệt hại là UBND cấp xã.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định mô hình cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng tập trung vào một đầu mối là Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ đại diện cho Nhà nước giải quyết bồi thường. Việc thống nhất cơ quan giải quyết bồi thường sẽ góp phần chuyên nghiệp hoạt động giải quyết bồi thường, đáp ứng yêu cầu của người bị thiệt hại và không cần xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, việc giao cho một cơ quan làm đầu mối giải quyết bồi thường là không khả thi bởi Bộ Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường lại thực hiện giải quyết bồi thường sẽ không khách quan trong hoạt động giải quyết bồi thường. Đồng thời, để có thể vừa thực hiện quản lý nhà nước, vừa thực hiện giải quyết bồi thường trong khi không được phát sinh bộ máy, không được tăng biên chế thì Bộ Tư pháp không thể thực hiện được, nhất là công chức giải quyết bồi thường thuộc Bộ Tư pháp không có chuyên môn sâu về các ngành, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, khoa học liên quan đến yêu cầu bồi thường dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết bồi thường.