Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên, đến thời điểm này, đã có 7 xã công bố dịch gồm: Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên); Yên Hòa, Đồng Than (Yên Mỹ); Bãi Sậy (Ân Thi); Nghĩa Dân, Đức Hợp (Kim Động); Dị Sử (Mỹ Hào). Ngoài ra có 3 xã gồm: Toàn Thắng (Kim Động), Hoàng Hoa Thám (Ân Thi) và Cẩm Xá (Mỹ Hào) đã có lợn tiêu hủy.
Cũng tại các địa phương có dịch nói trên đã có 65 hộ buộc phải tiêu hủy gần 2.400 con lợn với tổng trọng lượng hơn 200 tấn. Nguyên nhân ban dầu được xác định là do việc buôn bán vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Đáng lo ngại là việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn ốm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Ngoài ra còn do nguồn nước tưới, yếu tố chuồng trại không đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi nhỏ lẻ...
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp và có thể lây lan ra diện rộng, tỉnh Hưng Yên đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, thực hiện quyết liệt việc tiêu hủy toàn bộ lợn ốm, chết, mắc bệnh dịch; thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển động vật; yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi ký cam kết khi phát hiện lợn ốm, chết phải khai báo ngay với chính quyền, thú y cơ sở…
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, tỉnh đã yêu cầu chính quyền các cấp vào cuộc dập dịch quyết liệt. Cụ thể là bí thư, chủ tịch các xã, phường, các huyện, thành phố phải tập trung chỉ đạo mọi nguồn lực xử lý dứt điểm ổ dịch không để lây lan ra diện rộng.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương sau khi thực hiện xét nghiệm nếu có kết quả lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải công bố dịch và áp dụng tất cả các giải pháp dập dịch. Khi phát hiện ổ dịch cần phải tiêu hủy cả đàn tránh để mầm bệnh lây lan ra diện rộng.
Với hộ chăn nuôi, cần kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu chuồng trại, phải tiêu độc khử trùng hàng ngày. Khi phát hiện lợn bị bệnh phải báo cáo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng để tiêu hủy. Trong quá trình tiêu hủy, các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, nghiêm cấm tình trạng bán chạy lợn mắc bệnh.
Tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Chi cục Thú y tham mưu với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hóa chất phun khử trùng tiêu độc. Phát động đợt tổng vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột và hóa chất trên địa bàn toàn tỉnh
Hiện các ngành liên quan cũng đang tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh sản phẩm từ lợn, phương tiện vận chuyển và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; các trang trại có lợn mắc bệnh cần chuyển trọng tâm sang trồng cây hoặc nuôi vật nuôi khác.
Tỉnh Hưng Yên cũng tăng cường tuyên truyền về tính chất, mức độ của bệnh dịch để người dân không hoang mang, lo lắng tẩy chay thịt lợn và người chăn nuôi có thêm kiến thức phòng chống dịch bệnh.