Những chuyển biến tích cực này góp phần đưa Phú Thọ vươn lên nhóm tỉnh đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh.
Tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà cho người dân
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ đi vào hoạt động đầu tháng 10/2018 đã tạo bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính ở Phú Thọ.
Chị Trần Thanh Phương, Hợp tác xã Vận tải Hồng Đà, huyện Tam Nông cho biết, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ đi vào hoạt động giúp hợp tác xã của chị thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trước kia, chị Phương phải đến nhiều nơi, đi nhiều lần để làm các thủ tục hành chính, nay mọi thứ đã được đơn giản hóa. Hiện nay, chị chỉ cần đến Trung tâm hành chính công của tỉnh là có thể giải quyết được rất nhiều thủ tục khác nhau và không cần phải quay lại để nhận hồ sơ giúp chị tiết kiệm khá nhiều thời gian.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ, việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành của tỉnh được thực hiện duy nhất tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ cần đến trung tâm, cán bộ sẽ hướng dẫn một lần để hoàn thiện và nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn sau đó nhận lại kết quả mà không phải đi lại thêm lần nữa.
Ngoài ra, khi phát sinh các thủ tục hành chính cần liên thông giữa các sở, ngành có thể trao đổi, xử lý trực tiếp tại trung tâm. Mô hình này được đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, giảm phiền hà cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Hiện nay, 1.150 thủ tục hành chính ở 78 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 15 sở, ban, ngành ở tỉnh đã được đưa vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Tại đây, danh mục thủ tục hành chính, mức thu lệ phí, thời gian giải quyết, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đều được niêm yết công khai.
Trung tâm Phục vụ hành chính công được đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm đáp ứng yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính một cách khoa học, hiện đại, nhanh chóng, chính xác. 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được số hóa xử lý trên môi trường mạng.
Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thái độ của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được theo dõi, giám sát một cách chặt chẽ, hạn chế được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu.
Đặc biệt, người dân có thể trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát quy trình, tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của mình và đánh giá mức độ hài lòng đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, thái độ của từng cán bộ, công chức trung tâm; đồng thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về sự không cần thiết, tính không hợp lý của thủ tục hành chính thông qua các ứng dụng tiện ích trên internet, qua hệ thống tin nhắn (SMS)...
Trước đây, việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết tủ tục hành chính được nộp thông qua bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả” của các sở, ban, ngành. Từ đây, các hồ sơ được chuyển tới lãnh đạo và tiếp tục được phân về các phòng, ban giải quyết và chuyển lại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” để trả hồ sơ, dễ dẫn tới tình trạng chậm trễ thẩm định hồ sơ và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Quá trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, lãng phí thời gian, chi phí. Một số cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, kỹ năng, có biểu hiện gây khó khăn cho người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị.
Mở rộng mô hình một cửa hiện đại cấp huyện
Cùng với việc xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, tỉnh Phú Thọ còn triển khai mô hình một cửa điện tử hiện đại tại cấp huyện, cấp xã. Đến nay, 5 huyện và hai xã của tỉnh đã triển khai, xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại.
Đây cũng là bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời góp phần đổi mới mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước với người dân theo hướng phục vụ.
Ông Lê Hồng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã sớm triển khai và đưa vào hoạt động hệ thống một cửa hiện đại. Qua đó, các thủ tục hành chính được giải quyết theo đúng trình tự, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu đặt ra là giảm phiền hà cho tổ chức, công dân, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, thành phố tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tăng cường phân cấp, đi liền với xác định rõ trách nhiệm và các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nhờ đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính, Phú Thọ đã nhanh chóng vươn lên nhóm các tỉnh đứng đầu và mức khá trên cả nước về chỉ số cải cách thủ tục hành chính (Par Index) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PIC).
Qua đánh giá, chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2017 của tỉnh đạt 86,65 %, xếp thứ 13/63 tỉnh thành phố trong cả nước, đạt mục tiêu đề ra; Chỉ số cải cách hành chính đạt 82,93/100 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2016.
Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Phú Thọ đã được cải thiện. Năm 2017 tỉnh Phú Thọ đạt 62,55 điểm (tăng 3,95 điểm so với năm 2016), xếp vị trí số 27 (tăng 2 bậc so với năm 2016), đứng trong tốp khá và đứng thứ 3 của khu vực miền núi phía Bắc.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, đến nay, 70% các dịch vụ công của tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3,4, trong đó 100% các dịch vụ hành chính công quan trọng có số lượng giao dịch lớn ở lĩnh vực đầu tư, tài chính, y tế, giáo dục, giao thông được cung cấp ở mức độ 1 và 2; số thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
Ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã xác định cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này.
Hiện nay, tỉnh giao cho các sở, ngành theo dõi, đánh giá từng chỉ số năng lực cạnh tranh; hàng tháng, hàng quý có đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời chấn chỉnh lại bộ phận “một cửa”, xử lý nghiêm những cán bộ gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp, nhân dân; rà soát và bố trí cán bộ cán bộ có năng lực, trách nhiệm. Mặt khác, tỉnh cập nhật thường xuyên những chủ trương chính sách đầu tư mới, thực hiện công khai minh bạch các kế hoạch, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực để các nhà đầu tư được tiếp cận bình đẳng.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành rà soát kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội để sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, nhất là ở những khâu, công đoạn còn rườm rà, phức tạp làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp; từng bước hệ thống hóa các thể chế, cơ chế chính sách quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch; áp dụng các hình thức kiểm tra, xử lý minh bạch, từ đó khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế nhằm hướng tới nền hành chính trong sạch, vững mạnh.
Phú Thọ phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 100% huyện thành thị triển khai mô hình một cửa hiện đại; 70% các dịch vụ công của tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ ba, mức độ bốn và mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 80%, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông...