Doanh nghiệp Đồng Nai “khát” lao động

Trước đây, lao động từ khắp các tỉnh, thành của cả nước đổ về Đồng Nai tìm kiếm việc làm, nguồn cung lao động lớn nên tình trạng doanh nghiệp thiếu công nhân không xảy ra.

Khoảng 5 năm trở lại đây, công nghiệp hóa diễn ra khắp cả nước, lao động nhập cư đến Đồng Nai ngày một ít, trong khi đó, thu hút đầu tư của địa phương này luôn đạt cao, số doanh nghiệp đi vào hoạt động ngày một tăng. Thị trường lao động dịch chuyển – cầu vượt cung, tình trạng thiếu lao động diễn ra ngày một trầm trọng. Để đảm bảo việc phát triển bền vững, doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần đề ra chính sách quản trị nguồn nhân lực mới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi cơ cấu công nghiệp vùng, ngành.


Cung không đủ cầu


Tổng Công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) là doanh nghiệp chuyên về may mặc, mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Do đơn hàng tăng nên doanh nghiệp đã nâng công suất nhà máy, mở thêm nhiều xưởng mới tại huyện Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất (Đồng Nai) và tỉnh Bình Phước. Cùng quá trình này, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Tổng Công ty May Đồng Nai cần tuyển từ 1.500 – 3.000 người, tuy nhiên chưa năm nào tuyển đủ. 

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May Đồng Nai (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Do thiếu nhân lực, doanh nghiệp buộc phải tăng ca, làm thêm giờ theo Luật lao động. Có nhiều đơn hàng công ty phải đi tìm đối tác, thuê doanh nghiệp khác làm. Việc này khiến khiến doanh thu sụt giảm, trong nhiều trường hợp công ty bị lỗ, song vì uy tín, đảm bảo đúng tiến độ giao hàng nên công ty phải chấp nhận.


Ông Bùi Thế Kích, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Đồng Nai, cho biết hiện các xưởng sản xuất của Tổng Công ty May Đồng Nai đang thiếu lao động. Năm 2017, Tổng Công ty cần tuyển gần 2.500 công nhân phổ thông (chủ yếu là nữ). Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng số người tìm việc rất hạn chế, qua 2 tháng công ty mới tuyển được 200 người, với tiến độ như hiện nay, chắc chắn năm nay công ty không tuyển đủ. Thời gian qua, Tổng Công ty May Đồng Nai tìm được nhiều đối tác mới, song vì nguồn nhân lực không đủ nên kế hoạch mở rộng sản xuất phải trì hoãn. Hiện doanh nghiệp đã ký hợp đồng sản xuất đến hết tháng 6/2017, trong điều kiện thiếu công nhân, Tổng Công ty phải tính toán để tăng năng suất lao động, đảm bảo giao hàng đúng tiến độ.


Hơn 20 năm trước, Công ty TaeKwang Vina (hoạt động trong lĩnh vực giày da) đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Do đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nên doanh nghiệp này không ngừng lớn mạnh, phát triển, đến nay, công ty có 35.000 lao động. Khoảng 5 năm qua, doanh nghiệp liên tục mở rộng sản xuất, vận hành thêm xưởng mới, nhu cầu tuyển công nhân vì thế tăng lên. Năm 2016, doanh nghiệp tuyển 10.000 lao động, năm 2017, tiếp tục tuyển gần 2.000 người.


Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TaeKwang Vina cho biết: “Công ty TaeKwang Vina ra thông báo tuyển 2.000 công nhân phổ thông từ đầu năm 2017, nhưng người đến tìm việc rất hạn chế - việc tuyển người ở Đồng Nai ngày một khó. Nguyên nhân do đa số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh đã có việc làm ổn định, lực lượng lao động mới bổ sung hàng năm thấp hơn nhu cầu”.


Tại Đồng Nai, tình trạng thiếu lao động không chỉ xảy ra ở các công ty may mặc, giày da mà còn ở nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác. Gần 2 năm qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hoằng (hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ - Khu công nghiệp Hố Nai) liên tục ra thông báo tuyển lao động, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn thiếu 200 công nhân phổ thông. Chế độ mà công ty đưa ra đối với lao động trong thời gian thử việc gồm lương cơ bản (3.750.000/tháng) cộng với tiền chuyên cần và nhiều khoản thưởng khác. Khi ký hợp đồng chính thức, lương cơ bản sẽ tăng lên 4.120.000 đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi lao động sẽ được nhận tiền chuyên cần (300.000 đồng/tháng), nếu làm đạt chỉ tiêu ngày, chỉ tiêu giờ, và đạt chất lượng hàng sẽ được thưởng thêm 1 triệu đồng/tháng.


Để tìm công nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hoằng phải đặt bàn tuyển dụng ngay tại cổng Khu công nghiệp Hố Nai, hàng ngày tại bàn tuyển dụng này có nhiều nhân viên của công ty túc trực để tư vấn, giải thích những thắc mắc của người có nhu cầu tìm việc và tiếp nhận hồ sơ. Dù đã làm mọi cách để thu hút lao động, song số người đến tìm việc tại Công ty Bắc Hoằng vẫn đạt thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu.


Doanh nghiệp... tự giải bài toán 


Do nguồn cung lao động hạn chế nên các doanh nghiệp tại Đồng Nai phải đề ra nhiều chính sách, hướng đi mới; tự thay đổi chiến lược quản trị nguồn nhân lực để thích nghi với tình hình. Theo ông Bùi Thế Kích, việc Tổng Công ty May Đồng Nai mở thêm nhà xưởng ở các huyện miền núi của Đồng Nai và tỉnh Bình Phước dù gặp những khó khăn (giao thông không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ) nhưng đây là bước đi có tính lâu dài, nhằm tận dụng nguồn lao động sẵn có ở khu vực nông thôn. Nếu công ty mở rộng sản xuất ở thành phố Biên Hòa thì tình trạng thiếu lao động sẽ còn diễn ra gay gắt hơn, nguy cơ đình trệ sản xuất.


Bên cạnh mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, Tổng Công ty May Đồng Nai cũng không ngừng tăng chế độ lương thưởng, cải thiện điều kiện làm việc. Bên canh trả lương theo quy định của Nhà nước, công ty còn đề ra chế độ thưởng chuyên cần, hỗ trợ công nhân tiền đi lại, hiện thu nhập trung bình của người lao động đạt hơn 5,5 triệu đồng/tháng. Trong tương lai, Tổng Công ty May Đồng Nai sẽ đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, tự động hóa một số công đoạn nhằm tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí sản xuất.


Nhận thấy nguồn cung lao động ở Đồng Nai ngày một thấp, những năm qua, Công ty TaeKwang Vina tiến hành mở thêm nhà xưởng tại Tiền Giang và Cần Thơ (Tây Nam bộ). Hiện nhà máy tại Tiền Giang đã đi vào hoạt động, thu hút 4.000 công nhân, nhà máy ở Cần Thơ giữa năm 2017 sẽ chính thức sản xuất, dự kiến tuyển hàng nghìn lao động.


Ông Đinh Sỹ Phúc chia sẻ: “Ở Tây Nam bộ nguồn cung lao động dồi dào, công ty thông báo tuyển hàng ngàn công nhân nhưng chỉ trong một tháng là tiếp nhận đủ hồ sơ. Trình độ, tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp của người lao động ở các địa phương khác không bằng Đồng Nai. Tuy nhiên, với thời gian, công nhân sẽ quen với kỷ luật làm việc, về trình độ thì công ty tự đào tạo cho lao động”.


Theo ông Phúc, đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, giày da thì nguồn nhân lực là yếu tố sống còn. Trong tình hình hiện nay, Công ty TaeKwang Vina không chỉ quan tâm đến vấn đề tuyển mới lao động mà còn đề ra chính sách giữ chân công nhân. Bên cạnh trả lương, thưởng cao hơn quy định của Nhà nước, cải thiện điều kiện làm việc, công ty còn chi hàng chục triệu USD xây siêu thị, nhà trẻ phục công nhân và con em họ.


Để giải bài toán thiếu nhân lực, doanh nghiệp đã tự chuyển mình. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc bằng những giải pháp cụ thể.

Công Phong (TTXVN)
Tăng tiền công 30%, nhà vườn Bình Phước vẫn khốn đốn vì thiếu lao động thu hoạch hồ tiêu
Tăng tiền công 30%, nhà vườn Bình Phước vẫn khốn đốn vì thiếu lao động thu hoạch hồ tiêu

"Thủ phủ" hồ tiêu Bình Phước đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ mùa tiêu, tuy nhiên nhiều nhà vườn đỏ mắt tìm nhân công để thu hoạch hồ tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN