Doanh nghiệp “cố thủ”
Nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời khỏi nội đô, tuy nhiên, Công ty CP Dệt Minh Khai (460 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) mới di dời một phần nhà máy sản xuất, còn lại vẫn “cố thủ”. Hiện nay vẫn có 200 công nhân đang sản xuất khăn xuất khẩu tại đây. Ông Vũ Đình Lân, phụ trách hành chính công ty cho biết, sản lượng sản phẩm một tháng của công ty khoảng 40 tấn. Hiện công ty không có hệ thống xử lý nước thải, công đoạn sản xuất có dùng hóa chất và phẩm màu nhưng chỉ qua bể lắng rồi thải ra sông Kim Ngưu. Theo kế hoạch, công ty sẽ phải di dời trước năm 2007, nhưng hiện nay công ty mới lên kế hoạch đến 2017 sẽ di dời nên không đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Việc di dời rất khó khăn, cần nhiều thời gian nên cần có lộ trình.
Một cơ sở của Công ty CP Dệt Minh Khai vẫn hoạt động bình thường trong thành phố. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà xưởng của Công ty CP Dệt Minh Khai đã xuống cấp, một số nhà xưởng khác phía trong không tổ chức sản xuất mà cho thuê làm kho chứa hàng hóa. Trong trận mưa lớn kéo dài ngày 22/9, người dân sống lân cận phản ánh phẩm màu xanh từ công ty theo dòng nước chảy vào nhà các gia đình. Còn tại đường cống xả thải ra sông Kim Ngưu, mùi hóa chất nồng nặc khó chịu. Người dân ở đây có ý kiến, phải chuyển Công ty CP Dệt Minh Khai dứt điểm ra khỏi khu dân cư, vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con.
Tương tự, Công ty CP Dệt 10/10 tại số 253, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, hiện nay công ty này vẫn có 300 công nhân đang sản xuất màn tuyn. Đặt câu hỏi với đại diện công ty về công trình xử lý nước thải, thì nhận được câu trả lời “không có”, mà chỉ có đường ống dẫn thẳng ra sông Kim Ngưu…
Phóng viên báo Tin Tức đã đến đặt lịch làm việc với Công ty dệt kim Đông Xuân (524 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), một trong những cơ sở phải di dời cơ sở ra khỏi thành phố, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “hiện công ty đang sản xuất ổn định, không có nhu cầu tiếp xúc nhà báo?!”.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sau khi QĐ64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành, TP Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, lên danh sách 422 cơ sở (thuộc 17 ngành nghề) trong đó có 288 cơ sở tự khắc phục ô nhiễm thì sẽ được ở lại, 134 cơ sở phải thực hiện di dời khỏi nội đô nhưng đến nay mới có 41 cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, theo vị đại diện Sở TN&MT, con số 422 cơ sở này đã “lỗi thời”. Hiện nay công tác rà soát vẫn đang được Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận thực hiện. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đến ngày 31/7, các đơn vị phải có báo cáo rà soát nhưng đến ngày 30/8 mới có 15/30 đơn vị báo cáo, cho đến thời điểm này vẫn chưa có con số DN phải di dời chính thức.
Nhiều vướng mắcTheo tìm hiểu của phóng viên, trong số danh sách 41 cơ sở thực hiện di dời ra khỏi nội đô mà Sở TN&MT Hà Nội công bố, hiện có những đơn vị mới thực hiện di dời một phần, có DN mới lên kế hoạch di dời, chỉ có một vài cơ sở đã hoàn tất việc di dời. Có nhiều nguyên nhân được các doanh nghiệp viện dẫn cho sự chậm trễ này như tiền hỗ trợ di dời ít, hạ tầng điểm đến chưa biết thế nào, khó thực hiện chế độ cho lao động khi phải đi xa.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE):
Cưỡng chế hoặc đóng cửa nếu doanh nghiệp không di dời
Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô là việc làm cấp thiết hiện nay. Kinh nghiệm các nước không ai để cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô cả, vì sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Quy định đã có, cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm việc này. Nếu những doanh nghiệp còn chây ì chưa di chuyển thì cần có chế tài xử lý triệt để, thậm chí là cưỡng chế hoặc đóng cửa doanh nghiệp, vì Nhà nước đã ban hành lộ trình để di dời, không có lí gì mà không thực hiện được. Nếu như doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình di dời thì có thể kiến nghị Nhà nước hỗ trợ về quỹ đất, vay vốn… để khôi phục sản xuất. |
Ngay như Công ty TNHH Nhà nước MTV Cồn Rượu Hà Nội, một trong số những công ty đầu tiên thực hiện di dời theo quyết định của thành phố Hà Nội, và đã di dời xong mặc dù chậm hơn so với kế hoạch 4 năm. Nhưng ông Trần Hậu Cường, Phó giám đốc Kỹ thuật sản xuất, cho biết, công ty thực hiện di dời từ năm 2007 với đề án xây dựng đầu tư là 643 tỷ đồng, trong khi đó, tiền hỗ trợ di dời nhận được là 267 tỷ đồng, số tiền còn lại công ty phải đi vay để đầu tư xây dựng hạ tầng nơi điểm đến.
Ông Cường cho biết thêm, hầu hết các DN là không ai muốn di dời vì kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy phải lo lắng. DN đang sản xuất ổn định, nếu di dời đến cơ sở mới vừa phải bắt nhịp nơi mới, hạ tầng chưa biết thế nào. Trong khi đó, ở vị trí cũ thì thuận lợi cả về sản xuất kinh doanh, đi lại và sinh hoạt. Chưa kể đến việc xử lý chế độ cho công nhân nghỉ việc vì điều kiện không di dời theo được, kinh phí đào tạo công nhân mới… cùng với rất nhiều vấn đề phức tạp. Đó là những khó khăn mà công ty đã gặp phải khi thực hiện di dời và chắc chắn đó cũng là khó khăn chung của các DN khác.
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, việc chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm một phần do cơ chế chính sách chưa rõ ràng. Ngay cả việc lập danh mục 17 ngành nghề gây ô nhiễm đến nay vẫn chưa rõ tiêu chí cụ thể. Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở trong nội thành cũng không quy định mốc thời gian phải hoàn thành… khiến các sở, ngành chức năng của TP Hà Nội lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Cơ chế chính sách của Nhà nước chưa quy định rõ ràng và cụ thể đối với cơ sở phải di dời. Đến 2010 mới có QĐ 86 của Thủ tướng, trong đó có cơ chế di dời cho DN, tuy nhiên vẫn còn nhiều cái vướng. Ví dụ quy định mỗi đơn vị sử dụng đất di chuyển được hỗ trợ 50% tổng dự toán hoặc 50% xử lý cơ sở nhà đất, nhưng tính với những doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước, còn đối với doanh nghiệp tư nhân chưa có cơ chế thỏa đáng nên có sự bất bình đẳng.
Ngoài ra, cơ chế chưa cụ thể rõ ràng đầu đi và đầu đến như thế nào, giải quyết các chế độ như tiền thuế, chính sách miễn giảm, tiền lương khi công nhân di chuyển cũng như đào tạo mới, hỗ trợ thất nghiệp; tiền hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi các doanh nghiệp vay chuyển đổi ra sao… Tất cả còn thiếu cơ chế giải quyết ổn thỏa, chính sách còn cái bó hẹp, nên khó khăn trong xử lý cơ sở phải di dời.
Cùng đó, năng lực tài chính của DN còn hạn chế trong đầu tư thay đổi công nghệ xử lý chất thải nước thải tại nơi di chuyển đến mà nguồn lực nhà nước còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến. Cơ chế chính sách hỗ trợ DN di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế, chưa khuyến khích để DN tự nguyện chuyển đổi ngành nghề, chuyển mục đích sử dụng đất hợp quy hoạch hoặc tự nguyện di dời.