Tập trung di dời ở 4 quận nội thànhÔng Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết, công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm cần có sự đồng bộ của tất cả các giải pháp từ chính sách, kinh phí cho đến nhân lực thực hiện. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của DN về vấn đề này. Trước đây, chúng ta có quy định, chủ trương chung về di dời nhưng chưa có những chế tài và giám sát thực hiện. Do vậy, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát và chế tài cụ thể về việc thực hiện của DN.
Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch trong khu vực nội đô, nhất là 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Nhưng để thực hiện được việc này, trước liên ngành của thành phố cần thực hiện đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm của các cơ sở sản xuất để làm căn cứ pháp lý thực hiện các biện pháp di dời, điều cần phải có thời gian, nguồn lực.
Để đánh giá DN có ô nhiễm hay không cần thuê đơn vị tư vấn, quan trắc đánh giá mức độ ô nhiễm. Theo tính toán sơ bộ, Hà Nội có hàng trăm DN phải thực hiện quan trắc, bình quân kinh phí khoảng 40 - 50 triệu đồng/đơn vị. “Vậy thì kinh phí này do ai chi, nhà nước hay DN chi? Nhà nước phải đặt ra cơ chế, quy định rõ ràng nguồn kinh phí lấy từ đâu? Tất cả những câu chuyện đó là bài toán khó”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tăng cường giám sát liên ngànhTheo các chuyên gia, thành phố Hà Nội cũng cần công bố quy hoạch công khai, có tiêu chí, lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng. Quy định rõ thế nào là ô nhiễm, thế nào là không phù hợp quy hoạch, nếu không rõ tiêu chí, lộ trình thì bản thân DN cũng như cơ quan quản lý khó triển khai thực hiện. Đồng thời, thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng doanh nghiệp; xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn, phân rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp để nâng cao trách nhiệm; hướng dẫn các quận, huyện lập danh mục đúng, trúng với các quy định để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
Theo QĐ 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm 12 quận trên địa bàn. Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung. |
Từ phía DN, ông Trần Hậu Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Cồn Rượu Hà Nội đề xuất: “Nếu DN không tự giác và không có quyết tâm thì khó có thể thực hiện được, nên trông chờ vào sự tự giác của DN thì sẽ rất khó. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc quyết liệt gần như là cưỡng chế, quy trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp cùng với cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp về kinh phí thì mới giải quyết được bài toán này”.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định về chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường và hành vi không thực hiện biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý ô nhiễm triệt để. Tuy nhiên, một số địa phương mà cụ thể là TP Hà Nội còn thiếu quyết liệt, chậm triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ sở trên địa bàn.
Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát liên ngành về xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính sẽ có các biện pháp mạnh xử lý triệt để. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ kiến nghị ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích nhưng chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm.