Khu vực này đã trở thành nơi trú ngụ, sinh sống của hàng chục đàn cò, với gần nghìn con. Ở giữa lòng thành phố nhộn nhịp, những đàn cò vẫn ngày càng sinh sôi, phát triển, tạo nên cảnh quan đặc sắc, thu hút nhiều du khách, nhiếp ảnh gia đến thưởng ngoạn, tạo ra nhiều bức ảnh đẹp.
Có sở thích chụp ảnh động vật, anh Trần Văn Nhật (nhiếp ảnh gia, trú tại thành phố Đà Nẵng) rất hào hứng khi phát hiện những đàn cò cư trú ở dưới tán cây ngập nước khu vực cồn nổi này. Anh chia sẻ, ở khu vực này, những con cò thường xuyên bay đến trú ngụ vào lúc chiều tối. Đàn cò gần nghìn con, đậu trắng xóa dưới những tán cây. Cò ở nơi đây có nhiều loại, với đặc điểm khác nhau từ màu sắc, lông, chân, mỏ… Đặc biệt, những con cò này rất dạn, mặc dù khu cồn nổi ven sông nằm giữa thành phố, phía dưới chân cầu xe đi qua lại rất nhiều, nhưng chúng vẫn sinh sôi, phát triển.
Chị Thanh Phương (cư trú tại thành phố Đà Nẵng) chia sẻ, Chị cảm thấy kỳ lạ khi giữa sự náo nhiệt, rộn ràng của thành phố, khu vực cồn nổi lại là nơi sinh sống của những đàn cò. Điều này cho thấy cảnh quan thiên nhiên ở đây được chính quyền và người dân chăm sóc, bảo vệ rất tốt. Chị mong muốn người dân, cộng đồng sẽ tiếp tục bảo vệ cảnh quan này, để không những đàn cò, mà nhiều động vật khác sẽ di cư đến sinh sống.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng Phan Thế Dũng, khu vực gò nổi dưới chân cầu Trần Thị Lý có nhiều cây bần mọc tự nhiên. Gần đây, khu vực này xuất hiện nhiều đàn cò đến cư trú, sinh sôi, phát triển. Đây là điều hiếm thấy, bởi đặc tính sinh sống của cò thường tìm nơi vắng người, yên tĩnh để trú ngụ. Để giữ gìn cảnh quan khu vực này, Chi cục Kiểm Lâm thành phố thường xuyên tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ sinh thái, không được bắn, bẫy chim nhằm đảm bảo cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học của thành phố.
Bí thư Đảng ủy phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) Nguyễn Văn Lộc cho hay, những đàn cò bay đến trú ngụ, sinh sống ở gò nổi ven sông chỉ khoảng vài năm gần đây. Khi những cây đước, bần, dừa nước… tự nhiên phát triển rậm rạp. Chính quyền địa phương thường nhắc nhở người dân bảo vệ sinh thái, động vật sinh sống; tuyên truyền cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, cấm các hoạt động săn, bắt chim ở khu vực này…