Tại buổi tọa đàm báo chí “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí - trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật” do Hội Nhà báo Việt Nam, Trường đại học Y tế công cộng (HUPH) và Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) phối hợp tổ chức ngày 7/6 tại Hà Nội, vấn đề truyền tải và tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, vấn đề ô nhiễm vi sinh vật trên thực phẩm có nguồn gốc động vật; đặc biệt chuỗi thịt lợn có nguy cơ mang một số mầm bệnh như: Salmonella, E. coli, giun xoắn, gạo lợn… Trong đó, vi khuẩn Salmonella là một trong 4 vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy hàng đầu. Cùng đó là những nguy cơ của việc ô nhiễm này đối với sức khỏe người tiêu dùng, liên quan tới ngộ độc thực phẩm từ thịt lợn có liên quan đến lây nhiễm chéo giữa các thực phẩm sống, chín. Đây là những nội dung rất cần thông tin tới công chúng, cần đẩy mạnh các biện pháp để nâng cao hiệu quả thông tin về ATTP.
Theo đó, qua các nghiên cứu cho thấy, hiện công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về ATTP, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình phòng tránh những thực phẩm không an toàn.
Theo ông Trần Thái Sơn, Phó trưởng ban Nghiệp vụ (Hội nhà báo Việt Nam), hiện vấn đề ATTP là vấn đề được Chính phủ, cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm và cũng là một trong các chủ đề được nhiều cơ quan báo chí chú trọng khai thác.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng: “Thông tin về ATTP hiện nay đã được chú trong, một số cơ quan có chuyên trang riêng, kênh chuyên biệt về nội dung này; chắc chắn được nhiều người quan tâm. Qua nghiên cứu cho thấy, những thông tin đưa ra đã tác động đến người tiếp nhận theo 2 hướng: Tích cực và tiêu cực. Cụ thể, mặt tích cực là người dân sẽ có những nhận thức đúng về ATTP; tuy nhiên mặt tiêu cực là dễ khiến họ sợ hãi, bất an. Nhiều khi, người dân mất niềm tin vào ATTP dẫn tới những hậu quả như người dân không đến chợ truyền thống nữa gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất, ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Vì vậy, bất cứ thông tin nào khiến cộng đồng quan tâm, thông điệp tạo ra như thế nào là trách nhiệm của báo chí, truyền thông”.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng lấy ví dụ cụ thể: “Như vụ bùng phát dịch lợn tai xanh. Mặc dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân không sợ, họ vẫn giết mổ, thậm chí đào xác lợn bệnh đã chôn về để sử dụng. Lúc đó chúng tôi thấy, các thông điệp về dịch bệnh mới chỉ phản ánh chung chung về cảnh khốn khó, cách xử lý dịch... mà chưa quan tâm tới việc hướng dẫn người dân cách sử dụng an toàn... tức là các thông tin, cách truyền tải thông điệp chưa sát với thực tế. Sau đó, chúng tôi đã phát hiện và thay đổi cách đưa tin, nội dung hướng dẫn người dân không ăn thịt lợn chết, thịt lợn bệnh, dễ ảnh hưởng tới sức khỏe…”
Trách nhiệm của báo chí là tác động đến xã hội để người dân hành động đúng. Theo đó, thông tin từ người truyền đến người nhận là vòng tròn khép kín; chúng ta cần phải quan tâm đến hiệu quả thông tin như thế nào. Đặc biệt, vấn đề phản hồi với thông tin cũng là vấn đề đáng quan tâm; hiện chưa có nghiên cứu nào về việc người dân phản ứng thế nào về những thông tin truyền thông đưa ra.
“Hiện nay chúng ta vẫn ít có hướng dẫn chỉ dẫn về cách chọn thực phẩm an toàn, chỉ dẫn những nơi bán thực phẩm sach (nội dung này rất ít vì liên quan đến kinh tế báo chí); hiện có tình trạng lợi ích kinh tế báo chí và lợi ích của người dân vẫn đang bị cân đong đo đếm, khiến người dân chịu thiệt thòi”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo các chuyên gia, để thông điệp về ATTP được lắng nghe, người làm thông tin phải hiểu đối tượng truyền thông của mình; hiểu phương thức truyền thông để có cách tuyên truyền hiệu quả. Bên cạnh đó, ngoài việc phân tích được nguyên nhân và đưa ra giải pháp về ATTP, cùng các thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ sẽ giúp người dân dễ tiếp cận và hiệu quả hơn.
“Cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ ATTP hiệu quả hơn, đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng”, TS. Phạm Đức Phúc, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế công cộng nhấn mạnh.