Cổng làng được trang trí cờ, hoa rực rỡ, trong mỗi ngôi nhà đều treo ảnh chân dung của Bác Hồ và bức thư của Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số tại thành phố Pleiku năm 1946 được in dịch ra 2 thứ tiếng Viet - J'rai và Việt J'rai.
Buôn Proong là một trong 3 buôn vùng căn cứ cách mạng của xã Ia Mlăh huyện Krôngpa, tỉnh Gia Lai. Nơi đây từng bị tàn phá nặng nề trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước; người dân địa phương hay gọi là "buôn chết" bởi đất đai, nhà cửa lúc đó đều bị bom đạn cày xới.
Sau ngày thống nhất đất nước, được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, buôn Proong đã dần hồi sinh. Giờ đây, những con đường bê tông, những dãy nhà khá kiên cố mọc lên, những cánh đồng lúa và nhiều loại cây trồng khác đang sinh trưởng đã minh chứng cho sức sống mới đang hiển hiện ở vùng quê cách mạng này. Hiện nay, với diện tích 100 ha lúa nước 2 vụ cho năng suất đạt 4,5 tấn/ha/vụ và hàng trăm hecta ngô, sắn... người dân buôn Proong không còn phải lo cho cái ăn nữa mà đang tiến tới làm giàu. Buôn Chư Kó có 160 hộ với gần 800 khẩu người dân tộc J'rai, trong đó có 15 hộ giàu (mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm), trên 100 hộ khá (thu nhập từ 80 - 150 triệu đồng/năm) và chỉ còn 9 hộ nghèo.
Nước sạch được cấp đến từng hộ gia đình ở buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa (Gia Lai).Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Ông K'sor Toa, Bí thư Chi bộ buôn Proong cho biết, bây giờ bà con trong buôn đã biết cách làm ăn mới và ham làm giàu lắm. Ai cũng lo cho công việc sản xuất để làm ra nhiều của cải cho gia đình và xã hội, cho con cái được học hành đến nơi đến chốn để có kiến thức xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp. Trong buôn hiện đã có 10 cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp; hầu hết các cháu đều trở về địa phương công tác tốt và đây được coi là những tấm gương tốt để các gia đình khác trong buôn học tập và noi theo...
Buôn Chư Kó thuộc xã Ia Puch (huyện Chưprông) cũng là vùng căn cứ cách mạng trước đây. Về thăm buôn Chư Kó, chúng tôi được kể nhiều về tình đoàn kết giữa đồng bào Kinh - Thượng. Đồng bào người Kinh cũng như người J'rai đều thương yêu như anh em ruột thịt, cùng giúp đỡ nhau với tinh thần "lá lành đùm lá rách"; gia đình nào thiếu ăn lúc giáp hạt thì được giúp gạo, thiếu điều kiện sản xuất thì được hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật trong khâu trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt như "điện - đường - trường - trạm". Buôn Chư Kó hiện có 137 hộ chủ yếu là người J'rai, trong đó có một số hộ người Kinh cùng chung sống. Quang cảnh trong buôn khang trang và sạch đẹp; có 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và dùng nước sạch; hộ nào cũng có ti vi, xe máy; 35 hộ đã sắm được xe công nông, xe máy kéo.
Ông Rơ Mah Tiến, Bí thư Chi bộ buôn Chư Kó cho biết, xuất phát từ tình đoàn kết Kinh - Thượng, bà con trong buôn luôn có ý thức lao động sản xuất đạt hiệu quả cao và giữ gìn sự yên bình của buôn làng. Từ nhiều năm nay, ở buôn Chư Kó không xảy ra tình trạng gây rối về an ninh chính trị và không có người vượt biên trái phép sang Campuchia. Tuy kẻ xấu đôi lúc vẫn đến buôn để kích động, xúi giục bà con làm những điều trái pháp luật như bỏ đạo thuần tuý để theo các tà đạo "Tin lành Đê gar", tà đạo "Hà mòn"... song người dân trong buôn vẫn giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, với cách mạng để xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp.
Quốc lộ 19 đoạn đi qua địa phận tỉnh Gia Lai vừa được cải tạo, nâng cấp. |
Còn khi về thăm làng Bung - vùng căn cứ cách mạng thuộc xã Ya Hội (huyện Đăk Pơ), bên cạnh việc được "mục sở thị" về những đổi thay mạnh mẽ trong cuộc sống của dân làng, chúng tôi còn được nghe kể nhiều về sự kiên trung của dân làng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Già làng Đinh Puch - người dân tộc Bahnar kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương kiên trung để thế hệ sau hiểu và có ý thức vượt khó cùng nhau xây dựng buôn làng no ấm, bình yên.
Những năm 1967 - 1970, địch thường xuyên tấn công tàn phá làng Bung nhằm xóa căn cứ cách mạng tại đây nên đồng bào thường phải tránh vào rừng và tìm cách bảo vệ vững chắc vùng căn cứ địa cách mạng này. Thời gian đó, nhiều thanh niên của làng ở tuổi đôi mươi theo du kích đánh Mỹ đã anh dũng hy sinh. Già Đinh Puch nhớ lại, trong số các du kích đã hy sinh có liệt sĩ Đinh Ngum - một chàng trai kiên trung với Đảng, với cách mạng đã một mình chống trả quyết liệt với một tiểu đội địch đang bao vây trong khi làm nhiệm vụ...