Mới bước vào đầu mùa khô, nhưng nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thiếu nước ngọt trầm trọng, nhất là các địa phương ven biển. Bên cạnh đó, tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội địa và độ mặn tăng cao khiến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mùa khô năm nay, tình hình hạn hán sẽ gay gắt hơn, đỉnh điểm sẽ vào cuối tháng 3 và sang đến tháng 4.
Đâu đâu cũng “khát”
Những ngày này, đi về các tỉnh ĐBSCL, đâu đâu cũng nghe người dân “than” về việc hạn hán gây thiếu nước ngọt, nhất là các địa phương ven biển.
Tại xã Đại Ân 2, Lịch Hội Thượng, Thạnh Phú... (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), hầu hết các cánh đồng đều đang khô hạn trầm trọng. Tuyến kênh Bà Xẩm - tuyến tiếp nước chính cho khu vực huyện Trần Đề, cũng đã sắp cạn dòng. Trong khi đó, hầu hết các tuyến kênh cấp 2 của huyện lại đang trong tình trạng khô đáy, không có nước bởi lượng nước từ thượng nguồn đã cạn.
Ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết: “Năm nay hạn hán và xâm nhập mặn đến rất sớm, ảnh hưởng rất nặng đến diện tích lúa xuân hè. Vụ này huyện xuống giống 1.900 ha lúa nhưng có đến 600 ha bị chết, số còn lại cũng bị ảnh hưởng nặng”. Anh Võ Minh Đức, nông dân xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, cho biết: “Để cứu lúa khỏi bị chết hạn, chúng tôi đành dùng máy bơm lấy nước mặn từ các kênh lên để đưa vào ruộng. Hiện nay độ mặn ở kênh mới chỉ khoảng 2%o nên cây lúa còn có thể chịu đựng được.
Nếu trong thời gian tới, độ mặn lên cao hơn thì chúng tôi hết cách”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuyến, nông dân xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, chỉ tay xuống đám ruộng đang úa vàng, đất nứt nẻ vì thiếu nước, than: “Vụ này tôi đầu tư hết 20 triệu đồng vào đám ruộng này, nhưng giờ xem như trắng tay. Đất bắt đầu nứt nẻ, cây lúa bắt đầu chết khô”.
Lúa chưa trổ đòng đã thiếu nước ngọt ở Sóc Trăng. |
Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống bão lụt bão tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn sớm diễn biến rất phức tạp. Mới vào cuối tháng 2, trên trạm Trần Đề nằm ở cửa sông Trần Đề, độ mặn đo được là 22,2%o, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 là 6,3%o. Dự báo vào cuối tháng 3, tại xã Đại Ngãi, độ mặn dao động ở mức 13%o, cao so với cùng kỳ là 4,6%o. Với tình hình mặn xâm nhập sâu vào nội đồng như thế này, khả năng hàng trăm ngàn ha lúa xuân hè bị thiệt hại nặng”.
Không chỉ riêng Sóc Trăng, người dân huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông (Tiền Giang) cũng đang khốn khổ vì nước. Chỉ mới đầu tháng 2, nhiều khu vực đã thiếu nước ngọt cho cây lúa. Tại các xã vùng ven biển Gò Công Đông như Tân Thành, Tân Điền, Bình Nghị... để có nước cho cây lúa làm đòng và đảm bảo no hạt, nông dân phải dùng máy bơm, bơm chuyền qua nhiều tầng nấc, khiến chi phí tăng cao. “Vụ này chúng tôi phải mất thêm từ 5 - 10 triệu đồng/ha cho việc bơm nước, bởi phải bơm chuyền từ kênh chính vào kênh nội đồng, rồi từ đó mới bơm tiếp lên ruộng” - anh Bảy Sơn ở xã Tăng Hòa, cho biết.
Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang thường xuyên đo nồng độ mặn trên các tuyến sông cửa ngõ để triển khai biện pháp đối phó. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Theo đánh giá của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngay đầu năm 2013, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 20 - 50 m. Một số nơi thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng... mặn xâm nhập tới 50 - 60 km với độ mặn từ 3 - 4%o. Tình trạng xâm nhập mặn năm nay xuất hiện rất sớm với nồng độ cao và nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2012. Độ mặn đo được trên các hệ thống sông rạch ở ĐBSCL trong tuần đầu tháng 3/2013 cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2012.
Tại trạm Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông (Long An), nơi cách cửa sông đến 75 km, độ mặn cao nhất được ghi nhận là 3,4%o cao hơn cùng kỳ là 1,5%o; tại trạm Hòa Bình trên sông Cửa Tiểu (Tiền Giang), độ mặn cao nhất đo được là 11,7%o, cao hơn so với cùng kỳ 5%o; tại trạm Phước Long trên khu vực Quản Lộ - Phụng Hiệp (Bạc Liêu), độ mặn cao nhất là 23,6%o, cao hơn nhiều so với năm 2012.
Dự báo từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, khi dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông tiếp tục giảm, cộng với thời tiết nắng gay gắt như hiện nay, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục xảy ra trầm trọng và có xu hướng mở rộng ở ĐBSCL. Hạn nặng sẽ “kéo” nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nghiêm trọng hơn và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4/2013.
Thiếu nước sinh hoạt
Hạn sớm kéo theo mặn nhanh đã khiến nhu cầu về nước ngọt dùng cho sinh hoạt ở các địa phương ven biển “nóng” hơn bao giờ hết. Anh Hữu Quan ở cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) cho biết: “Nước bây giờ, ăn uống phải tiết kiệm từng chút. Cả nhà tôi hiện phải tắm nước mặn, sau đó chỉ dùng một ít nước ngọt để “rửa” lại. Với đà nắng nóng như thế này, có khi phải vào đất liền để chuyển nước ra”. Hiện nhiều người dân sống ở huyện cù lao Tân Phú Đông đã phải sang tận thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông) để đổi nước mưa hoặc nước máy về dùng. Huyện Gò Công Đông cũng đã đề nghị tỉnh cho mở 57 vòi nước công cộng trên địa bàn các xã, thị trấn phục vụ cho gần 7.000 hộ trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt.
Ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Bến Tre: Tỉnh Bến Tre đã quy hoạch chi tiết thủy lợi đến năm 2020. Trên cơ sở đó tỉnh triển khai một số dự án thủy lợi quan trọng, nhất là dự án Bắc Bến Tre trong phạm vi 5 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre với quy mô phục vụ cho 130.000 ha sản xuất và nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ gia đình sinh sống ở các huyện. Tỉnh cũng đã làm dự án nước ngọt, triển khai cho 4 huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre với tổng trị giá 750 tỷ đồng, được thực hiện trong thời gian từ 2014 - 2016. Nếu dự án này được triển khai thì vấn đề ngọt hóa cho sản xuất, cung cấp nước ngọt cho người dân sử dụng sẽ tương đối thuận lợi. Trong những năm tới, khi mặn lên quá cao, chúng tôi sẽ cân đối lại cây trồng cho phù hợp. Bến Tre xác định cây dừa và cây mía là những cây ưu tiên trong việc lựa chọn chuyển đổi giống cây trồng, vì khả năng chịu hạn mặn cao nhất. Ông Lương Quang Xô - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam: ĐBSCL có thế mạnh về vùng sông nước, với hai nguồn lợi kinh tế chính là thủy sản và trồng trọt, trong đó lúa đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hai ngành này có hai môi trường khác nhau: Thủy sản chủ yếu là nước lợ và nông nghiệp là nước ngọt. Để giải quyết mâu thuẫn này, cần có biện pháp xây dựng các công trình để làm sao giải quyết tốt môi trường nước lợ, nước ngọt kết hợp với nhau, không bị mâu thuẫn, từ đó có thể cung cấp nước tốt cho nguồn lợi thủy sản cũng như sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Đức Cường - Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam: Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra những giải đáp về sự biến đổi khí hậu. Một thực tế là, tất cả biến đổi khí hậu đều tác động trực tiếp đến tài nguyên nước từ trên thượng lưu, làm thay đổi mực nước về hạ lưu, đặc biệt khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc khi mực nước biển dâng. Vấn đề bây giờ là kiểm soát chặt chẽ tình hình nước khi các quốc gia xây dựng đập, thủy điện. Đặc biệt, chúng ta cần tham gia thiết kế, xây dựng kế hoạch xây đập với các quốc gia, để nắm bắt và tư vấn, góp ý cho họ nhằm đảm bảo dòng chảy của sông Mê Kông. |
Thiếu nước ngọt cho sinh hoạt cũng xảy ra tại hai huyện Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre) từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Những ngày này, đi dọc các tuyến đường ở thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri thấy nhiều xe máy cày chở các bồn nước ngọt đi đổi. Bà Phạm Thị Kim Chi, một người dân ở đây, cho biết việc đổi nước ngọt cũng gian nan vì nhu cầu nhiều mà người cung cấp thì ít nên phải xếp hàng. Giá nước ngọt khá cao, lên đến vài chục nghìn đồng/m3 nên người dân chỉ dám sử dụng nước ngọt cho nấu ăn.
Ông Nguyễn Văn Phong, chủ một cây nước tại thị trấn Ba Tri (huyện Ba Tri), cho biết: “Tùy quãng đường vận chuyển, giá nước ngọt dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/m³. Còn nếu đổi nguyên xe bồn 3 m³ thì giá từ 120.000 - 160.000 đồng tùy quãng đường đi”. Hiện người dân các xã Vĩnh Hòa, An Hiệp, Tân Xuân, An Đức, Bảo Thạnh, Bảo Thuận… phải đến thị trấn Ba Tri đổi nước về xài. Tại “rốn” nước ngọt giồng Bà Nhiên tấp nập xe đổi nước túc trực suốt ngày đêm để chở phục vụ người dân nhưng không kịp.
Nhà máy nước thô ở xã Thạnh Trị lấy nước từ sông Ba Lai về phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước… nhưng vẫn không đảm bảo vì sông Ba Lai đã bị nước mặn tấn công. Nhà máy nước tư nhân Trung Thành công suất 150 m³/giờ, phục vụ hơn 4.400 hộ dân thị trấn Bình Đại và một số hộ xã lân cận với giá 10.000 đồng/m³ nhưng không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân. Theo ông Nguyễn Thành Sắc, cán bộ khuyến nông xã Phú Thuận (huyện Bình Đại), hiện trên địa bàn toàn huyện có 1.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Còn tại Sóc Trăng, ông Lý Phước Trung, Trưởng Phòng kỹ thuật quản lý cấp nước tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Toàn tỉnh có 132 trạm cấp nước sạch cung cấp cho khoảng 50.000 hộ dân với giá 4.300 đồng/m3. Một số trạm cung cấp nước do quá cũ và công suất thấp, không thể “đẩy” nước về các khu vực vùng sâu, vùng xa “chống khát”, người dân đã khoan giếng để lấy nước ngầm dùng cho sinh hoạt hoặc sản xuất. Tuy nhiên bơm lên cũng phải để một thời gian mới sử dụng được vì nước bị nhiễm phèn”.
Gồng mình chống hạn, mặn
Theo thống kê của Cục trồng trọt, có khoảng 300.000 ha lúa ở ĐBSCL bị tác động bởi tình trạng hạn mặn trong mùa khô 2013, trong đó có hơn 100.000 ha sẽ bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến năng suất rất lớn.
Theo đó, phòng nông nghiệp huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết, trong vụ lúa đông xuân, toàn huyện đã xuống 1.158 ha, đến thời điểm này đã có 500 ha bị khô hạn, thiếu nước, nhiễm mặn... có khả năng giảm năng suất 70%. Bên cạnh đó, có 30 ha hoa màu bị nhiễm mặn, cho thu hoạch kém, thiệt hại từ 80-90%. “Hiện nay, có những nơi tại huyện Bình Đại, độ mặn đo được lên tới 8%o.
Phòng nông nghiệp huyện Bình Đại đã khuyến cáo người dân chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày. Bên cạnh đó, chỉ đạo thêm các xã vận động người dân chủ động nguồn nước bằng cách nạo vét lại hệ thống kênh mương nội đồng. Chúng tôi cũng có đề án làm đê cao, bít hết hệ thống cống và lấy nước ngọt từ sông Ba Lai qua để “giải hạn” cho vùng này” - ông Nguyễn Thành Sa, Phó Phòng nông nghiệp huyện Bình Đại, cho biết.
Trong khi đó, tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng), hiện bà con nông dân đã ngừng chăm sóc hơn 600 ha xuống giống muộn, xem như thất thu hoàn toàn, những diện tích còn lại hoặc bị khô hạn hoặc bị nhiễm mặn nên phát triển rất kém. “Trước mắt huyện đã mở các cống để tiếp nước ngọt cho các diện tích lúa còn lại, tuy nhiên nước cũng không đủ để cứu lúa trên diện rộng bởi một số ấp ở xa thượng nguồn, nước đã không thể về tới” - ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, để đối phó với mặn xâm nhập, đảm bảo sản xuất, ngành thủy lợi tỉnh đầu tư hơn 4,5 tỉ đồng đắp 95 đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương nội đồng, vận động nhân dân tiết kiệm nước, duy tu sửa chữa các trạm bơm... Chính quyền địa phương ở Kiên Giang và An Giang đã cho đóng toàn bộ 27 cống ngăn mặn vùng tứ giác Long Xuyên để ngăn mặn xâm nhập và giữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Nhằm tránh thiệt hại cho người trồng lúa, tỉnh Bạc Liêu cũng đang khẩn trương đắp hơn 30 đập ngăn mặn giữ ngọt tại các huyện Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long... đồng thời khuyến cáo nông dân gia cố lại ao hồ, bờ ruộng nhằm trữ nước ngọt, phòng nước mặn tràn vào.
Trong khi các ngành chức năng đang có những giải pháp chống hạn tích cực, thì người dân ở vùng này cũng đã chủ động phòng ngừa thiệt hại. Hiện nông dân các tỉnh đang tự lo tích nước ngọt trong ao hồ; đồng thời gia cố bờ bao, cống đập nội đồng để phòng nước mặn xâm nhập gây thiệt hại. Công tác chống hạn, ngăn mặn đang diễn ra khẩn trương trên toàn vùng ĐBSCL.
M.Thuyết-Đ.Phương