Nhờ đó tăng trưởng tín dụng hàng năm cao, tổng dư nợ đến nay đạt 142 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 là 32,7%. Chất lượng tín dụng có chuyển biến mạnh khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,8% (năm 2014) đến nay còn 0,03%, có 7/11 xã không có nợ quá hạn; tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt là 93,3%, xếp loại khá là 6,7% và không có tổ trung bình, yếu.
Đặc biệt, nhận thức được vai trò của vốn vay khi “trao cần câu chứ không cho con cá”, nên dù là huyện miền núi còn khó khăn nhưng UBND huyện Nam Đông vẫn trích ngân sách địa phương 250 triệu đồng để ủy thác NHCSXH cho các hộ chính sách vay. Tại phiên họp quý III/2016, Ban đại diện Hội đồng quản trị của huyện đã ban hành nghị quyết chỉ đạo UBND cấp xã trích một phần ngân sách để dành cho tín dụng chính sách.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị của huyện, nay ở cương vị mới là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện, bà Lê Thị Thu Hương chia sẻ: “Để triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi có hiệu quả, chúng tôi gắn trách nhiệm người đứng đầu, chủ tịch xã phải biết được nguồn vốn chính sách đi đâu, hiệu quả thế nào trên địa bàn mình...”.
Năm 2016 mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp sức cùng với các cấp, ngành và đồng bào trong huyện hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 25 triệu đồng, vượt kế hoạch 2 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,5% xuống còn 12,29%. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giao 18 tỷ đồng, huyện phấn đấu mức 23,5 tỷ đồng, nhưng thực hiện đạt 24 tỷ đồng.
Bà con hiểu rõ việc vay vốn phải đi kèm với tiết kiệm để trả gốc và lãi đầy đủ, giúp nguồn vốn quay vòng đến những hộ khó khăn khác. |
Bà Lê Thị Thu Hương cho biết, với mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020, huyện Nam Đông đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 với các kế hoạch phát triển diện tích trồng cam lên 400 ha; mở rộng diện tích trồng ớt, gấc, chuối đặc sản; củng cố diện tích cao su, rừng kinh tế; phát triển chăn nuôi, trong đó nuôi bò nhốt thâm canh thay cho tập quán thả rông của đồng bào... Và một trong những giải pháp để thực hiện là chuyển từ cho không sang cho vay, với vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội như Chỉ thị 40 của Đảng đã khẳng định.