Các doanh nghiệp nêu trên có thời gian nợ bảo hiểm ít nhất là 16 tháng, nhiều nhất là hơn 10 năm, số tiền nợ từ hàng trăm đến hàng chục tỷ đồng. Đứng đầu trong danh sách nợ bảo hiểm ở Đồng Nai là Công ty CP Lilama 45-1 nợ 76 tháng với số tiền trên 41 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hanul Line Việt Nam nợ 42 tháng với hơn 30 tỷ đồng, Công Ty CP Lilama 45-4 nợ 99 tháng với trên 18 tỷ đồng. Một số đơn vị như Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở & Trung học Phổ thông Lê Quí Đôn nợ bảo hiểm 125 tháng với số tiền gần 3 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây Dựng Thành Lân nợ hơn 900 triệu đồng hơn 100 tháng.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp nợ bảo hiểm, tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp nợ với số tiền ít, thời gian dưới 6 tháng. Đối với những doanh nghiệp này, sau khi ngành bảo hiểm đốc thúc sẽ thanh toán nợ. 19 doanh nghiệp trên đưa vào diện khó đòi do nợ số tiền lớn, thời gian rất dài, ngành bảo hiểm đã nhiều lần làm việc, đôn đốc nhưng doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục. Nguyên nhân doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, bị thua lỗ, hoạt động cầm chừng.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, đến tháng 2/2023, số nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 800 tỷ đồng. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục nợ; chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, xử lý hình sự đối với những doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận, trục lợi, trốn đóng các khoản bảo hiểm. Đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, nắm tình hình nhằm phát hiện sớm doanh nghiệp vi phạm, từ đó có giải pháp ngăn chặn, không để phát sinh các khoản nợ khó đòi, vụ việc phức tạp liên quan đến bảo hiểm.