Đưa ẩm thực đường phố vào quy hoạch

Ẩm thực đường phố rất được ưa thích ở TP Hồ Chí Minh và đã tạo cho thành phố một nét văn hóa riêng, thế nhưng nó lại đang tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Để có thể quản lý được vấn đề an toàn thực phẩm, thành phố đang thí điểm quy hoạch ẩm thực đường phố thành những khu kinh doanh riêng.


Những hiệu quả bước đầu

Do đặc thù đa số các hộ kinh doanh ẩm thực đường phố là buôn bán lưu động, buôn bán không cố định, người làm thay đổi thường xuyên nên trong công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người bán hàng còn hạn chế kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), mua nguyên liệu giá rẻ nên nguy cơ không đảm bảo là rất cao.

Cần quy hoạch thành từng khu kinh doanh để quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đường phố.

Qua khảo sát của phóng viên, hầu hết trên các con hẻm, ngóc ngách hay dọc các tuyến đường của TP Hồ Chí Minh đều xuất hiện những quán ăn vỉa hè với đủ các loại như hủ tiếu gõ, bún bò, phá lấu, bánh canh... hầu hết những loại thực phẩm này đều được bảo quản và bán ở những nơi không đảm bảo vệ sinh như gần miệng cống, người bán không được trang bị găng tay, không được tập huấn về VSATTP, nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng.

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai Chi cục phó Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh nói: “Người bán còn chưa được trang bị kiến thức về VSATTP và chưa có ý thức trong việc thực hiện đúng quy định về VSATTP, chưa quan tâm đến việc khám sức khỏe khi hết hạn. Nguồn nguyên liệu thực phẩm chế biến mua với giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP nên việc quản lý, kiểm soát truy nguồn gốc cũng gặp nhiều khó khăn”.

Để có thể quản lý tốt loại hình kinh doanh thức ăn đường phố này, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm mô hình kiểm soát VSATTP đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố tại phường 2 quận 3 và phường An Lạc quận Bình Tân. Sau hơn một năm thực hiện thí điểm bước đầu đã đem lại những chuyển biến tích cực.

Đại diện UBND phường 2 quận 3 cho biết, gần 100 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn phường đã được hỗ trợ thùng rác có nắp đậy, khẩu trang, găng tay, kẹp gắp, tạp dề... Bên cạnh đó, phường cũng tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân về vấn đề VSATTP. Còn tại phường An Lạc A sau một năm thực hiện thí điểm, 104 hộ kinh doanh thức ăn đường phố tại phường đã có chuyển biến tích cực và hầu hết các tiêu chí đều đạt trên 85%.

Sau khi đã quy hoạch thì cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ thực hiện các tiêu chí về đảm bảo ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố đã tăng mạnh qua từng giai đoạn như: Trên 93% nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm; 100% không để lẫn giữa thực phẩm sống và chín; thức ăn được che đậy, bảo quản hợp lý, vệ sinh đạt 96,6%; trên 90% người kinh doanh thức ăn đường phố được tập huấn kiến thức về ATTP... Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, một trong những thành công trong việc xây dựng thí điểm mô hình thức ăn đường phố là đã thu hút được 203 cơ sở lực lượng xe đẩy, xe máy bán hàng rong đi vào hoạt động trong các tuyến phường thí điểm.

Đại diện UBND quận 1 cho biết, vừa qua quận cũng đã kết hợp các đơn vị ra quân trên toàn địa bàn để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè có bán hàng, quán ăn. Ngoài ra, quận còn tổ chức những buổi tập huấn VSATTP, giữ gìn vệ sinh vỉa hè, lòng đường… cho những người buôn bán hàng rong, kinh doanh quán ăn. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đa số người bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè là những người khó khăn, người dân nghèo từ các tỉnh, vì vậy quận cũng đưa ra giải pháp là quy định thời gian bán hàng cho họ.

Cần được nhân rộng

"Tuy đạt được hiệu quả bước đầu nhưng chúng ta không có giải pháp duy trì thì những tiêu chí này rất dễ bị hạ xuống. Nhằm duy trì và kiểm soát dễ dàng hơn loại thức ăn đường phố, UBND từng quận, huyện phải có quy hoạch địa điểm kinh doanh", ông Huỳnh Lê Thái Hòa Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, hiện nay việc kinh doanh thức ăn đường phố chưa có quy hoạch và quản lý triệt để. Bên cạnh đó, cán bộ, cộng tác viên làm công tác quản lý ATTP ở tuyến phường còn kiêm nhiệm nhiều việc, chưa có cán bộ chuyên trách để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo UBND. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, kiến thức, trình độ của cán bộ, cộng tác viên quản lý ATTP trên địa bàn chưa đạt so với yêu cầu về nghiệp vụ VSATTP. Bên cạnh đó, cũng chưa có kinh phí riêng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát quản lý an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố tuyến phường.

10 tiêu chí về thực hiện thức ăn đường phố gồm: Nơi kinh doanh phải sạch cách biệt nguồn ô nhiễm; bày bán thức ăn trên bàn, giá cao cách mặt đất ít nhất 60 cm; thức ăn được che đậy bảo quản hợp vệ sinh; không để lẫn giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín; có dụng cụ xúc gắp thực phẩm sạch; đảm bảo có đủ nước và nước đá sạch phù hợp với quy định; người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe; người kinh doanh thức ăn đường phố phải được xác nhận về kiến thức; có sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm; có đủ dụng cụ túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh.

"Thường những hộ kinh doanh thức ăn đường phố nằm trong các phường thí điểm được tập huấn kiến thức về VSATTP, họ còn được trang bị đầy đủ các vật dụng như găng tay, thùng rác, tạp dề... nhưng trong quá trình sử dụng các vật dụng trang bị thường bị mất nhưng các hộ kinh doanh không đầu tư, trang bị lại" bà Mai cho biết thêm.

Theo bà Thái Thị Bích Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc A (quận Bình Tân), khó khăn nhất hiện nay là công tác kiểm tra, xử phạt vì các quán kinh doanh thức ăn đường phố thường nhỏ lẻ, hàng rong, buôn bán lưu động nên công tác xử phạt còn hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở. Tình trạng các xe đẩy bán hàng rong ở các cổng trường từ nơi khác đến địa phương rất khó quản lý vì họ buôn bán không cố định cả về địa điểm lẫn thời gian. Vì vậy, UBND phường, xã cần quy hoạch lại khu kinh doanh thức ăn đường phố ổn định chỗ kinh doanh, qua đó ngành y tế sẽ dễ dàng quản lý về số lượng, tập huấn xác nhận kiến thức VSATTP, khám sức khỏe.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, kế hoạch của thành phố sau mô hình thí điểm là mỗi quận đăng ký 1 - 2 phường hoặc đường phố làm điểm để kiểm soát điều kiện VSATTP với thức ăn đường phố và phải có quy hoạch về thức ăn đường phố trên địa bàn quận. Đối với UBND phường cần tiếp tục kiểm tra những cơ sở còn lại, hướng dẫn các cơ sở thực hiện 10 tiêu chí ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố theo quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm về kinh doanh thức ăn đường phố để có chuyển biến tích cực.
Bài và ảnh: Đan Phương
Biến ẩm thực đường phố thành điểm nhấn hút du khách
Biến ẩm thực đường phố thành điểm nhấn hút du khách

Ẩm thực đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển đa dạng, phong phú, bước đầu để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN