Những ngày giữa tháng 7/2022, tại Khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, nhiều ngư dân tích cực kiểm tra máy móc, chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm… để vươn khơi dài ngày. Chuyến biển trong những ngày tới của bà con ngư dân lạc quan hơn khi giá dầu diesel đã giảm hơn 3.000 đồng/lít.
Ngư dân Ngô Đức Sơn, chủ tàu cá mang số hiệu TTH 96319 công suất 700CV, hành nghề vây rút xa bờ. Trung bình mỗi chuyến biển khoảng 10 ngày, tàu của ông Sơn tiêu tốn khoảng từ 1.300 – 1.400 lít dầu diesel. Với giá dầu đã giảm, chuyến đi biển lần này ông Sơn tiết kiệm được từ 5 – 7 triệu đồng. Ông Sơn cho biết, thời gian qua, giá dầu diesel tăng cao kỷ lục nên nhiều ngư dân rất đắn đo khi ra khơi. Khi biết giá dầu đã giảm, bà con có thêm động lực vươn khơi bám biển, vì giảm được một phần kinh phí khá lớn khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang hiện có 53 tàu đánh bắt hải sản xa bờ và 125 chiếc tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ. Thời gian qua, giá dầu tăng cao nên việc đánh bắt hải sản cũng có phần cầm chừng, sản lượng đánh bắt giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng hải sản khai thác trên địa bàn xã chỉ đạt 2.205 tấn, giảm 50% sản lượng so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết, trong những ngày qua giá xăng, dầu có giảm thì bà con ngư dân trên địa bàn cũng phần nào yên tâm, phấn khởi vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, bà con vẫn tiếp tục đề xuất giảm giá xăng, dầu vì giá hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập mỗi chuyến đi biển đánh bắt hải sản. Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục khắc phục khó khăn để vươn khơi bám biển, đảm bảo sản lượng hải sản khai thác, cũng như góp phần bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Giá nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của ngư dân. Theo nhiều ngư dân, để một chiếc tàu ra khơi hoạt động đánh bắt hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm đến 70 - 80% tổng chi phí mỗi chuyến biển. Hơn nữa, giá nhiên liệu còn ảnh hưởng đến những chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu biển như: đá lạnh, vận tải, nhu yếu phẩm… Vì vậy khi giá nhiên liệu giảm, không khí sản xuất của bà con ngư dân cũng dần nhộn nhịp hơn.
Đang tiếp nhiên liệu cho tàu cá để chuẩn bị rời Cảng cá Thuận An ra khơi đánh bắt hải sản, ông Nguyễn Văn Xí, phường Thuận An, thành phố Huế cho biết, vài ngày trước vì giá dầu diesel tăng cao nên không ít ngư dân để tàu cá nằm bờ nhiều vì đi làm không có lãi. Đợt này dầu giảm giá, ngư dân vui mừng vì bớt được phần nào gánh nặng chi phí, đồng thời cũng yên tâm để vươn khơi nhiều hơn. Giá dầu giảm, mỗi chuyến biển cũng tiết kiệm được một phần chi phí so với trước.
Giám đốc Bản quản lý Cảng cá Thừa Thiên - Huế Trần Quang Nhất cho biết, giá xăng dầu “hạ nhiệt” đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, giá xăng dầu hiện vẫn ở mức cao nên hiệu quả đánh bắt của ngư dân chưa được như mong muốn. Hy vọng trong thời gian tới xăng dầu tiếp tục giảm, để ngư dân ra khơi bám biển tạo sinh kế. Ban quản lý cảng cá đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền bà con vươn khơi bám biển, chuyển đổi những nghề phù hợp hơn để giảm chi phí chuyến biển, qua đó nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay có khoảng 600 chiếc tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ và 1.950 tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 30.000 tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt 22.700 tấn. Giá xăng dầu giảm sẽ động lực để ngư dân an tâm vươn khơi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển - đảo thiêng liêng của Tổ quốc.