“Gia đình lớn” của các thương, bệnh binh

“Chúng tôi không phát động phong trào rầm rộ, cũng không ra nghị quyết chuyên đề hay tổ chức các đợt thi đua cao điểm hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo gương Bác. Bởi việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Người là điều chúng tôi đã, đang và tiếp tục thực hiện hàng ngày, hàng giờ, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu”, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) Nguyễn Sỹ Lương bắt đầu câu chuyện như thế.

Hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên chăm sóc 60 thương binh. Hầu hết các thương binh này suy giảm khả năng lao động 81% trở lên (có vết thương, bệnh lý đặc biệt) với đủ loại thương tật. Người cao tuổi nhất 85 tuổi, là thương binh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người “trẻ” nhất cũng gần 50 tuổi. Do không còn chân tay hoặc hỏng cả hai mắt nên phương tiện giúp họ di chuyển là những chiếc xe lăn hoặc cây gậy dò đường. Cũng có một vài thương binh có thân hình lành lặn nhưng lại không có được năng lực cảm giác…

Đội văn nghệ Trung tâm thương binh Duy Tiên trong chuyến đi “Về nguồn lịch sử” tháng 10/2014.Ảnh: TL


Trong câu chuyện của Giám đốc Nguyễn Sỹ Lương, chúng tôi cảm nhận được tình thương yêu, trách nhiệm, sự thông cảm và chia sẻ của hơn 30 cán bộ, nhân viên phục vụ tại Trung tâm cùng với sự đoàn kết, gắn bó, hy sinh và nghị lực của thương bệnh binh. Điều này đã tạo nên một môi trường văn hóa đậm chất nhân văn.

Đa số các thương binh ở đây bị các chấn thương về cột sống, quanh năm suốt tháng phải nằm đệm. Mùa đông trời mát thì không sao, nhưng vào mùa hè thì thương binh rất khó chịu. Nhiều người bị những vết lở loét trên cơ thể, không những suy giảm về mặt sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến cả tinh thần do mất ngủ. Ông Lương cho biết: “Từ sự quan tâm của lãnh đạo ngành cùng những tấm lòng hảo tâm, 6 chiếc điều hòa nhiệt độ đầu tiên được lắp ở phòng các thương binh nặng nhất. Hơn 1 năm sau đó, toàn bộ trên 60 phòng ở Trung tâm đã được trang bị điều hòa nhiệt độ. Ngủ tốt, sức khỏe và tinh thần của thương binh được nâng lên trông thấy”.

Xác định nhiệm vụ nuôi dưỡng thương bệnh binh tuy vất vả nhưng đầy vinh dự, thời gian còn lại của các thương binh cũng không còn nhiều, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên luôn dành sự quan tâm, chăm sóc tối đa để chia sẻ những đau đớn của thương binh những khi đau ốm, những lúc trái gió trở trời. Nhiều thương binh nằm viện điều trị dài ngày được Trung tâm cử nhân viên y tế đi phục vụ như người thân.

“Chăm sóc các anh thời gian dài, cũng có lúc “nhỡ tay” làm các anh đau. Những khi ấy chúng tôi thấy day dứt, ân hận lắm. May mà các thương binh cũng thông cảm và hiểu được tấm lòng của chúng tôi”, chị Mai Thị Thanh, y tá của Trung tâm cho biết. Có những người ban đầu chỉ là người phục vụ, gắn bó chăm sóc thương binh như người thân trong một thời gian dài đã nảy sinh tình cảm, tình thương nên tình nguyện làm vợ thương binh, dù biết làm vợ thương binh là phải chấp nhận những vất vả, thiệt thòi.

Năm 2010, còn có cảnh thương binh ở Trung tâm, quần áo không được lành lặn. “Để thương binh mặc rách, mặc xấu là lỗi lớn của những người trực tiếp nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi xác định: Quần áo chỉ là chuyện nhỏ, nhưng đằng sau nó chính là lòng tự trọng của mỗi con người đã từng vào sinh ra tử, đồng thời phản án sự quan tâm, bù đắp của những người làm công tác chăm sóc thương binh”.

Ngay lập tức, Ban lãnh đạo Trung tâm đề xuất may quân phục tặng các thương binh, đồng thời rà soát lại các thương binh đã được tặng thưởng huân, huy chương qua các thời kỳ mà bị mất để xin cấp lại đầy đủ. Thương binh 1/4 Trần Quý Quyền, quê ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, bị hỏng hai mắt, mất hai chân, xúc động kể lại: “Dù chỉ cảm nhận được qua đôi bàn tay, nhưng khi sờ vào bộ quân phục mới, đeo huân, huy chương đầy đủ, cảm giác lúc đó lạ lắm. Tôi như trở thành một con người khác, đầy tự hào với quãng thời gian chiến tranh đã đi qua cuộc đời. Từ lúc ấy tôi nghĩ mình phải sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời, với xã hội, với tấm lòng của những người đang ngày đêm trực tiếp chăm sóc mình”.

Chuyện ăn, mặc, ngủ, nghỉ đã phần nào được cải thiện. Lúc này các cán bộ Trung tâm còn trăn trở việc cải thiện tinh thần cho các thương binh. Trung tâm đã đề nghị cấp trên, các tổ chức cá nhân tặng phương tiện nghe nhìn cho các thương binh; Ban lãnh đạo đã quyết định thành lập đội văn nghệ với các thành viên chính là các thương binh. Thời gian đầu, để thuyết phục các thương binh, Giám đốc Nguyễn Sỹ Lương cũng hăng hái tham gia sinh hoạt cùng. Đến nay, đội văn nghệ của Trung tâm đã hoạt động ổn định, thường xuyên. Các thương binh không chỉ hát cho nhau nghe mà còn đi giao lưu với các cơ quan, đơn vị, ở Thủ đô và các tỉnh khác. Vết thương chiến tranh trong những người lính già dần vơi bớt nỗi đau.

Ấn tượng nhất trong các hoạt động của Trung tâm chính là những chuyến đưa các thương binh đi tham quan tại Hà Nội, miền Trung… Trong những chuyến đi ấy, những thương binh được nghe, được thấy, được chứng kiến, thắp hương trên từng ngôi mộ đồng đội. Khi trở về Trung tâm, họ mang theo những gương mặt rạng rỡ, lạc quan, không còn thái độ bi quan, chán nản.

Thương binh 1/4 Lê Tiến Lợi, 60 tuổi, quê ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định chia sẻ: “Năm 2012, tôi được đi thăm Thủ đô và vào Lăng báo công với Bác. Năm nay tôi cũng vừa được Trung tâm đưa đi xem bóng đá ở sân vận động Mỹ Đình. Để đưa được chúng tôi đi đây đi đó, các cán bộ, nhân viên Trung tâm phải bỏ rất nhiều công sức. Tiền bạc là một chuyện, cái chính ở đây là sự quan tâm, yêu thương, gắn bó như người thân trong gia đình”.

“Với những con người đã trải qua đau thương mất mát, chúng tôi không quản lý theo kiểu hành chính hóa. Cách làm hợp lý, hiệu quả nhất là để mọi người quản lý nhau bằng chính lòng tự trọng của bản thân. Còn chúng tôi thì luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, thậm chí đau cùng nỗi đau của mọi người, coi Trung tâm như một gia đình lớn. Từ đó, chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin với thương bệnh binh”, Giám đốc Nguyễn Sỹ Lương tâm sự.

“Niềm tin” mà vị Giám đốc Trung tâm nói nghe tưởng chừng dễ, nhưng quả thật để có được nó là cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của 30 con người nơi đây. Như lời của Giám đốc Nguyễn Sỹ Lương nói lúc chia tay: “Những việc làm của chúng tôi nhỏ thôi, nhưng tôi tin nhiều cái nhỏ sẽ góp lại thành cái lớn. Đó cũng chính là thành quả của việc hàng ngày chúng tôi làm theo tấm gương của Bác, thực hiện những lời di chúc của Người”.

Nguyễn Cúc
Tặng kính điện tử cho thương binh, học sinh nghèo khiếm thị
Tặng kính điện tử cho thương binh, học sinh nghèo khiếm thị

Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Công ty TNHH Kiến Bình Minh đã tổ chức trao tặng kính điện tử cho thương binh và học sinh nghèo khiếm thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN