Cuộc sống khó khăn
Xóm trọ ven bờ sông Hồng thuộc phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi sinh sống của nhiều lao động di cư. Gia đình chị Nguyễn Thị Tình, quê Nam Trực (Nam Định) có 4 người ở căn phòng rộng khoảng 15 m2, kê 2 chiếc phản dài trải chiếu cũ. Đồ vật trong phòng ngổn ngang gồm nồi niêu, quần áo, xe hàng... Nhà vệ sinh liền kề với khoảng sân ẩm thấp.
Khu nhà ở của lao động di cư tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Những lao động di cư ở đây làm đủ nghề, người bán hoa quả rong, buôn gà, thu mua đồng nát... “Tôi đã ở đây được 5 năm. Hàng ngày, dậy từ tờ mờ sáng sang Đông Anh để nhập gà đem về bỏ mối tại các chợ trong nội đô. Buổi chiều nếu ai thuê làm việc gì sẽ làm để kiếm thêm thu nhập. Thu nhập được khoảng 4 triệu đồng/tháng, cao hơn làm ruộng ở quê. Tuy nhiên, giá dịch vụ khu vực này cái gì cũng đắt. Tiền nhà hơn 1 triệu đồng/phòng, tiền điện 4.500 đồng/số, tiền nước 50.000 đồng/người/tháng. Trong khi hầu hết nhà trọ cho người lao động đều không có nước sạch, mà dùng máy bơm, bơm nước từ giếng khoan lên”, chị Nguyễn Thị Tình cho biết.
Khi được hỏi về việc khảo sát nghèo đa chiều, các lao động di cư đều không biết đến cuộc khảo sát này với lý do “không có tạm trú tạm vắng”. Nếu so sánh với các chuẩn nghèo đa chiều về điều kiện nhà ở, nước sạch, giáo dục, y tế thì gần các đối tượng lao động di cư đều không đạt. Đơn cử như hầu hết người lao động di cư không có thể mua thẻ bảo hiểm y tế. “Chúng tôi muốn mua nhưng phải về quê đăng ký mua BHYT theo hộ tại quê. Tuy nhiên, sẽ rất phức tạp nếu đi khám vì phải về quê xin chuyển tuyến. Tính ra tiền đi lại tốn nhiều lần so với đi khám dịch vụ”, chị Thanh Hương, trọ ở khu trọ Chương Dương cho biết.
Theo đại diện UBND phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), đa phần các lao động tự do từ vùng khác chuyển đến đây đều có thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này cao hơn mức quy định chuẩn nghèo về thu nhập từ 700.000 đến 900.000 đồng người/tháng. Tuy nhiên, lao động di cư đều khó đạt các chuẩn nghèo đa chiều về giáo dục, y tế, nước sạch, thông tin, nhà ở...
Đơn giản hóa thủ tục
Lao động di cư chiếm khoảng 8% dân số, trong đó 94% là di cư nông thôn ra thành thị. Thế nhưng có tới 90% lao động di cư không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến.
Theo nghiên cứu mới nhất của Oxfam vào năm 2015, có tới 99% người lao động thuộc khu vực phi chính thức đang không có bảo hiểm xã hội tự nguyện. 21,2% trẻ em di cư trong độ tuổi từ 6 đến 14 không được bố mẹ cho đi học. Chỉ có 7,7% trẻ em di cư được đi nhà trẻ công lập, điều này đồng nghĩa đa phần trẻ em di cư phải học ở những trường mẫu giáo tư thục với mức học phí rất cao. Hơn 2/3 lao động di cư phải trả tiền nước cao gần gấp 3 lần và tiền điện cao gần gấp đôi so với quy định; 80% những người di cư và gia đình của họ phải sống trong các nhà trọ nghèo nàn, không đảm bảo vệ sinh... “Nguyên nhân hầu hết lao động di cư đều không tiếp cận được với BHYT, BHXH, giáo dục, nhà ở, nước sạch... là do hệ thống chính sách của Việt Nam chưa đồng bộ, thủ tục rườm rà, phức tạp, nhất là các chính sách gắn liền với hộ khẩu”, bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện LIGHT cho biết.
“Hiện nay cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động di cư về quyền lợi được hưởng tại nơi tạm trú. Trong đó, người lao động di cư tuân thủ việc khai báo tạm vắng, tạm trú vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa có thể làm thủ tục đăng ký BHYT. Còn giá nước sạch và điện, chủ nhà phải đăng ký với địa phương và Công ty Nước sạch, điện lực. Tuy nhiên, các chủ nhà đều không thực hiện việc này”, đại diện UBND phường Chương Dương cho biết.
Thừa nhận đối tượng lao động di cư sẽ khó tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội, bà Chu Thị Hạnh, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Hiện các chính sách giảm nghèo đang hướng đến đối tượng nghèo cùng cực và hỗ trợ đối tượng tại điểm các đối tượng có hộ khẩu, tức là nơi đi. Còn nơi đến các đối tượng chưa tiếp cận được dịch vụ an sinh. Mức độ tiếp cận phụ thuộc nhiều vào ngân sách địa phương. Hiện cả nước mới có Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho người lao động di cư tiếp cận các mô hình nhóm phụ nữ vay vốn, đăng ký tạm trú tạm vắng để tiếp cận BHYT, giáo dục và cải thiện nhà ở. Do đó, để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ về BHYT, nước sạch, giáo dục... cần sự vào cuộc chính quyền địa phương”.