Ngày 3/10, tại TP Hồ Chí Minh, công ty Nghiên cứu thị trường lao động Anphabe đã tổ chức hội nghị Nguồn nhân lực hạnh phúc năm 2019. Hội nghị nhằm tìm ra những giải pháp giữ chân nhân tài và hướng đến tăng trưởng năng suất lao động bền vững trong các ngành nghề. Hơn 600 CEO và giám đốc nhân sự ở các doanh nghiệp trong cả nước đã tham gia.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và truyền cảm hứng Hạnh phúc của Anphabe cho hay, qua khảo sát tại các công ty, doanh nghiệp trên cả nước, dự báo cuối năm 2019, tỉ lệ lao động nghỉ việc sẽ gia tăng và đạt mức 24%. Đây là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Trong đó, công việc quản lý và nhân viên trẻ là hai nhóm hay nghỉ việc nhiều nhất trong các nhóm ngành nghề khác nhau. Cụ thể, ở cấp bậc nhân viên, lương dưới 10 triệu có tỷ lệ nghỉ việc lên đến 29%. Ở cấp bậc quản lý như trưởng phòng ban tiếp thị, tiếp thị bán hàng, công nghệ thông và tài chính cũng có tỷ lệ nghỉ việc cao.
Nguyên nhân của việc gia tăng tỷ lệ nghỉ việc xuất phát từ việc nhiều ngành nghề mới hình thành và phát triển nhanh. Ngoài ra, do số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nên lượng cộng việc nhiều khiến người trẻ có tâm lý muốn “nhảy việc” nhiều (chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019 cả nước có hơn 80.000 doanh nghiệp thành lập mới). Thứ ba là do phong trào khởi nghiệp đang tăng cao, một số người lao động chủ động khởi nghiệp, thay vì chấp nhận đi làm công ăn lương. Cuối cùng xuất phát từ tình hình di dân tăng cao dẫn đến “chảy máu chất xám”. Hiện nay, Việt Nam thuộc top 10 nước di dân nhiều ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Theo bà Thanh Nguyễn, muốn giữ chân nhân tài để họ gắn kết với doanh nghiệp, thay vì chú trọng vào động lực bên ngoài như tiền thưởng, các doanh nghiệp cần quan tâm kích thích những yếu tố tự thân, thúc đẩy động lực nội tại có sẵn trong mỗi con người. Bởi, những cách tác động bên ngoài như tiền thưởng dễ làm “hư nhân tài”, khiến họ chỉ tập trung vào các yếu tố bên ngoài mà dần mất đi động lực tự thân, mất đi tính sáng tạo cũng như khả năng tư duy và khả năng gắn kết với công việc, với doanh nghiệp.
Đại diện một số doanh nghiệp tuyển dụng cũng cho biết, bất cứ người lao động nào đi làm cũng muốn biết công sức mình đóng góp tới đâu và được đãi ngộ ra sao. Vì thế, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp phải thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ định hướng của doanh nghiệp cũng như thông tin những khó khăn, thách thức đang gặp phải để người lao động hiểu và chia sẻ. Đừng để nửa năm hoặc một năm mới gặp nhân viên một lần như vậy sẽ khiến người lao động nhàm chán, mất hứng thú làm việc và sẽ sớm nghỉ việc. Việc gặp gỡ trao đổi, chia sẻ và đãi ngộ tốt với người lao động thường xuyên cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân lao động lâu dài.