Vợ chồng chị Trần Thị Gấm, quê ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định). Sáu năm trước, lấy nhau xong, hai người khăn gói lên Hà Nội. Anh chị thuê một căn nhà trọ tạm bợ ở xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm). Khi đó, chồng chị đã biết một chút về nghề phụ hồ nên hàng ngày đi theo nhóm thợ xây làm hết tòa nhà này đến tòa nhà khác, loanh quanh khắp Hà Nội. Còn chị Gấm lên thành phố với hai bàn tay trắng, cũng không có nghề nghiệp gì, nghĩ mãi, cuối cùng bàn với chồng, chị quyết định xin một chân bán vé số cho Công ty xổ số kiến thiết miền Bắc. Ngày ngày, bày vé số ra một chiếc bàn nhỏ rồi ngồi bán ở gần cầu Trung Hòa (cách nơi thuê nhà khoảng vài cây số). Hai vợ chồng phải phó mặc con cái cho ông bà chăm sóc, nuôi dạy. Gấm tâm sự: "Thu nhập cả hai vợ chồng được hơn 5 triệu đồng/tháng nhưng tiền thuê nhà đã mất 2 triệu rưỡi rồi. Tháng nào cũng phải gửi tiền về nhà nuôi con, thế nên, chả dư dả bao nhiêu, nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm!”, Gấm than thở.
Khu trọ mà vợ chồng Gấm đang ở, cũng có rất nhiều người từ các tỉnh khác về thuê sống. Ngày nào họ cũng đi từ mờ sáng đến đêm mới về nhà, chẳng mấy khi nói chuyện với nhau. “Họ cũng như chúng em, làm đủ thứ việc nhưng toàn là lao động tự do", Gấm vừa kể vừa cười.
Sau 2 năm làm ở Hà Nội, Gấm bảo với chồng và bố mẹ rằng mình muốn về quê. Cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ chồng đều không ủng hộ ý kiến này của Gấm. “Bố mẹ chồng em động viên: Cứ đi làm trên đó đi. Dù sao cũng có tiền hơn ở nhà. Con cái ở nhà đã có bố mẹ lo”. Về nhà được chừng nửa năm, Gấm lại quyết định quay lên Hà Nội sống tiếp. Không riêng gì Gấm, không riêng gì xóm 20 mà xã Hải Đường, hầu như nhà nào cũng có người “đi vắng” thường xuyên. “Có nhà cả hai vợ chồng đều bỏ quê lên thành phố tìm việc. Nhưng chủ yếu, vẫn là chồng đi, vợ ở lại”, ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã Hải Đường cho biết.
Hải Đường là một xã thuần nông đông dân với dân số 13.000 người. Giới thiệu về tình hình việc làm của lao động địa phương, ông Tuần cho biết: “Hơn nửa dân số xã trong độ tuổi lao động. Thanh niên cứ học xong cấp 3 là rời làng đi học, đi làm nơi khác. Những người không đỗ đại học thì chủ yếu đi học các trường nghề ở các thành phố. Những người không có nghề nghiệp gì thì làm lao động tự do”.
Khái quát tình hình này ở huyện Hải Hậu, một lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Mặc dù số lượng lao động không có việc làm thường xuyên của huyện đến nay vẫn chưa thống kê được nhưng trên thực tế, tình trạng thiếu việc làm hiện nay khá nhiều, thu nhập thấp thì phổ biến. Đơn cử, ở xã Hải Đường, có tới 80% là lao động nông nghiệp. Bởi vì từ nhiều năm nay, ngành nghề phụ ở xã ít phát triển mà nghề truyền thống thì không có, người nông dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. “Nông dân mỗi năm làm 2 vụ lúa, cộng thêm vụ đông nữa thì vẫn còn khoảng 6 - 7 tháng trong năm gần như nhàn rỗi. Điều này đồng nghĩa với việc bằng chừng đó thời gian, 80% lao động của xã dư thừa”, ông Tuần cho biết. Lãnh đạo xã này khẳng định, thu nhập thấp, cuộc sống người dân nhiều khó khăn nên việc nhiều người đổ về các thành phố mưu sinh là điều khó tránh khỏi.
Đàn ông, thanh niên trai tráng rời làng lên phố hết nên gánh nặng công việc đổ dồn lên vai những người phụ nữ trong gia đình. Bà Ngô Thị Mỹ, Chủ tịch Hội Phụ nữ của huyện Hải Hậu cho biết: “Đàn ông đi làm ăn xa, người phụ nữ ở nhà phải kham hết mọi việc. Từ việc bé trong nhà đến việc lớn ngoài làng xóm. Đến thời vụ, những việc mà nếu có chồng ở nhà thì đương nhiên là việc của chồng thì nay chồng đi vắng, chị em phải làm hết, từ cày, bừa rồi phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Chị em cũng gặp khó khăn khi một mình dạy dỗ con cái. Vì nếu có bố ở nhà, tiếng nói của người bố dẫu sao vẫn có cái uy mà người mẹ không có được”.
Mặc dù Hội Phụ nữ huyện vẫn thường khuyên các chị em phải trang bị an toàn khi phun thuốc trừ sâu hoặc thuê người làm công việc này; nhưng theo bà Mỹ, "nói vậy thì nghe vậy chứ nhiều chị em, nhà nghèo, kinh tế không có thì chẳng thuê được người làm, phải tự mình làm cả dù biết làm thì rất nguy hại cho sức khỏe”.
Chuyện ở một xã đồng bằng sông Hồng nêu trên chỉ là một trong nhiều “mảnh ghép” của bức tranh lao động nông thôn thiếu việc làm và những hệ lụy của nó đã và đang tiếp diễn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Mạnh Minh
Bài 2: Khó tiếp cận cơ hội việc làm