Giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn (Bài 3)

Bài 3: Chuyện tạo việc làm cho nông dân Hải Đường

Với việc mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đang được triển khai, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) là một trong những địa phương điển hình về việc đã và đang tiếp tục thu hút nhiều lao động di cư từ các thành phố lớn quay trở về quê hương làm việc, ổn định cuộc sống.

Ly nông bất ly hương

Đặt chân đến UBND xã Hải Đường cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, có thể nghe tiếng máy may chạy ro ro hối hả. Nơi đây có một cảnh tượng hiếm thấy: Cả hội trường rộng chừng 200 m2 nơi thường tổ chức các sự kiện họp hành của xã, nay biến thành một xưởng may. Hơn 100 nữ công nhân đang miệt mài bên máy khâu. Sân khấu hội trường, các bảng, bục được dẹp sang cánh gà, nhường chỗ cho một núi sản phẩm vừa “ra lò”. Phía ngoài hành lang, 3 nữ công nhân tay thoăn thoắt gỡ chỉ thừa cho từng sản phẩm. Mỗi người đều đeo một tấm thẻ ghi tên. Những người thợ trẻ làm việc trong tiếng nhạc rộn ràng.

Chúng tôi bắt chuyện với chị Đỗ Thị Dịu khi chị bước ra khỏi xưởng may. Chị Dịu kể: “Em lấy chồng từ năm 19 tuổi. Trong tay không có nghề gì. Trước đây, ở nhà làm vàng mã, thu nhập chẳng được mấy đồng. Nghe ủy ban xã thông báo có lớp học may, học không mất tiền mà học xong được làm việc luôn, em mừng lắm, đăng ký ngay”. Dịu vừa học vừa làm, lương chưa được 1 triệu một tháng nhưng cô rất vui vì “từ ngày đi làm, có thêm đồng ra đồng vào. Các anh trong xưởng nói là cứ cố gắng, nâng cao tay nghề thì đồng lương sau này sẽ cao hơn”. Thế là ngày ngày, dậy từ 5 giờ sáng lo xong việc nhà, đưa con đi học, Dịu lại lên xưởng may làm. Trưa được nghỉ, cô tranh thủ tạt về lo việc nhà.

Hội trường của UBND xã Hải Đường (huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định) “biến” thành lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn.


Theo ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã, từ tháng 8/2010, xã đã chấp nhận “hy sinh” hội trường để mở lớp học may cho người lao động. Giáo viên là người trung tâm khuyến công và của công ty may. “Cơ bản là con em trong xã. Những người biết nghề rồi thì ngay từ tháng đầu tiên đi làm đã được trả lương. Những ai chưa biết việc thì vừa học vừa làm. Làm từ những việc dễ nhất. Học thì không mất tiền học phí”, ông Tuần cho biết.

Nông thôn mới giúp người dân có việc

Phong trào học nghề và làm nghề phụ ở Hải Đường bắt đầu phát triển từ năm 2009 với việc Trung tâm dạy nghề Hải Hậu trực tiếp tuyển sinh và đào tạo.

"Làm việc tại địa phương, tuy ít tiền hơn lên thành phố nhưng lại có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái...", chị Dịu tâm sự.

Từ ngày Hải Đường được chọn là xã thí điểm thực hiện chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào này càng phát triển mạnh. “Trước khi mở lớp, cán bộ xã phát phiếu đăng ký về từng xóm để nắm nhu cầu học của bà con, có hơn 300 người đăng ký ngay. Những ai có nhu cầu đều đã được xếp lớp học hết”, ông Tuần cho biết. Bên cạnh lớp may, xã mở 2 lớp mộc mỹ nghệ (mỗi lớp 30 học viên), 2 lớp thêu ren (50 học viên), 4 lớp học vê đay, thảm cói, mây tre đan, 1 lớp trồng rau sạch, 2 lớp chăn nuôi gia súc gia cầm…

Nói về những tác động tích cực của các lớp học nghề, ông Nguyễn Văn Tuần phấn khởi cho biết: “Những lớp học nghề này đã và đang tạo một phong trào trong nhân dân: Rủ nhau đi học để có nghề phụ”. Có nghề, thu nhập của bà con cao hơn. “Trước kia, cứ xong 2 vụ lúa là chơi, nhưng giờ ai cũng học nghề, bị cuốn vào công việc. Đi làm may, mỗi tháng cũng được ít nhất là 1,2 triệu đồng, còn làm nghề thêu ren thì tầm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Ở quê mà được như thế là ổn rồi”, ông Tuần nói.

Từ giữa tháng 3/2011, nhà máy may của Công ty cổ phần Hải Đường đã xây xong, trụ sở ủy ban xã thôi chức năng làm lớp học và xưởng may. Người lao động được chuyển về nơi làm việc mới đàng hoàng. Doanh nghiệp này đang tiếp tục tuyển thêm lao động về làm. Ông Vũ Đức Hải - Giám đốc Công ty đầu tư Hải Đường cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư 20 tỷ đồng để xây nhà máy, đã và đang tuyển 500 lao động vào làm. Hướng tới là thu nhập người dân từ 1,5 - 1,8 triệu/tháng. Các chế độ khác cho người lao động sẽ thực hiện theo Luật Lao động”.

Để đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương, xã đang tích cực huy động đoàn thể thông báo việc này tới các gia đình trong xã để họ vận động con em mình đang làm ở các nơi xa về quê làm việc. Có nghề nghiệp, tình hình trật tự an ninh trong làng, xã cũng tốt hơn. Vị lãnh đạo xã hồ hởi nói thêm: “Phong trào học nghề và làm nghề phụ ở địa phương còn góp phần tạo mối quan hệ đồng thuận trong nhân dân”.

Một lợi thế để thu hút doanh nghiệp về địa phương mở cơ sở là Hải Đường là xã được chọn thí điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Mở cơ sở tại đây, ông Vũ Đức Hải, Giám đốc Công ty đầu tư Hải Đường, đơn vị phối hợp với Công ty cổ phần may Giao Thủy ký hợp đồng sử dụng lao động từ lớp học nghề may cho rằng doanh nghiệp rất thuận lợi và yên tâm. Ông nói: “Doanh nghiệp chuyển về đã tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện tiêu chí chuyển đổi ngành nghề - một trong những tiêu chí khó của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chúng tôi cũng mong địa phương giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất. Hai bên giúp lẫn nhau, làm sao tận dụng và phát huy được chính thế mạnh của địa phương mình”. Từ kinh nghiệm dời nhà máy về làng của doanh nghiệp mình, ông Vũ Đức Hải cho rằng: “Một xã muốn tạo việc làm cho người lao động, muốn thu hút doanh nghiệp về địa phương thì hãy tham gia xây dựng nông thôn mới”.

Mạnh Minh

Bài 4: Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa: Nhiều giải pháp giúp lao động nông thôn tự tạo việc làm

Giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn (Bài 2)
Giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn (Bài 2)

“Những năm qua, tỷ lệ dân số nông thôn ở nước ta giảm không đáng kể, vẫn ở trong khoảng 72% dân số cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN