Ngày 28/8, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện Việt Nam chưa phát hiện người nhiễm vi rút Ebola. Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và không để lây lan tại cộng đồng thông qua việc thực hiện khai báo y tế từ ngày 15/8/2014 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế (đường hàng không, đường bộ và đường biển). Riêng sân bay Tân Sơn Nhất đã thực hiện từ ngày 11/8/2014. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác kiểm dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Theo đó, từ ngày 11 – 26/8/2014, ngành y tế đã giám sát được 128 người đi từ các quốc gia có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam (trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người nhập cảnh vào Việt Nam); trong đó tại sân bay Tân Sơn Nhất (124 người) và sân bay Nội Bài (4 người).
Trong 128 người nhập cảnh vào Việt Nam thì có 30 người là công dân Việt Nam trở về từ Liberia , 98 người Nigeria. Tất cả các cửa khẩu khác chưa ghi nhận có trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola. Hiện nay, chỉ có 1/128 trường hợp đã qua 21 ngày đi từ vùng dịch về nhập cảnh vào Việt Nam.
Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Bộ Y tế thường xuyên liên hệ với những người nhập cảnh để theo dõi, giám sát tình trạng sức khoẻ của họ. Đến nay, toàn bộ 128 trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola vào Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện các triệu chứng nghi nhiễm vi rút Ebola.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, số lượng công dân Việt Nam tại các nước đang có dịch Ebola không nhiều và hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm vi rút Ebola.
Cụ thể là: Nigeria có 12 người (không bao gồm cán bộ Đại sứ quán); Sierra Leone có khoảng 24 người; Guinea có khoảng 60 – 70 người; Liberia có 20 người lao động tự do (đã trở về nước 10 người vào ngày 22/8/2014). Tuy nhiên, số liệu thống kê trên có thể chưa đầy đủ do khó khăn trong việc kiểm soát người Việt Nam đang sinh sống và lao động tự do tại các nước trên.
Các nhân viên Y tế tại TP.HCM đang chuẩn đồ bảo hộ và các thiết bị y tế cần thiết để thực hiện cách ly, khử khuẩn trường hợp hành khách nghi nhiễm bệnh dịch Ebola nhập cảnh ngày 19/8. Ảnh: TTXVN |
Thời gian tới, để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola xâm nhập vào Việt Nam, ngành y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu cũng như theo dõi tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong, lây nhiễm cho cán bộ y tế và lây lan trong cộng đồng.
Ngành y tế tiếp tục rà soát về nhân lực, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch và xây dựng danh mục dự trữ để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh khi xảy ra; tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa phương...
Hiện dịch bệnh do vi rút Ebola vẫn đang tiếp tục gia tăng tại 4 quốc gia vùng Tây Phi. Đặc biệt, ngày 26/8/2014, Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế thông báo CHDC Congo đã ghi nhận 24 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola; trong đó có 13 trường hợp tử vong và đã xác định được 4 mẫu dương tính với vi rút Ebola.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy những trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại CHDC Congo có liên quan tới việc lây truyền từ động vật sang người trong quá trình chế biến thịt thú rừng. Sau đó, người mắc bệnh đã lây cho người trong gia đình và người xung quanh...
Thu Phương