Hà Nam phòng chống lũ sông Đáy

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, mấy ngày qua, lũ trên sông Đáy thuộc địa phận tỉnh lên khá nhanh, có thời điểm xấp xỉ mức báo động III.

Đoạn sông Đáy thuộc địa phận TX Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh: wikimedia.org


Đây là đợt lũ cao nhất kể từ sau đợt lũ cuối tháng 10 đầu tháng 11/2008. Hiện lũ trên sông này đã đạt đỉnh và đang xuống chậm, tại thời điểm 6 giờ sáng 11/8, mực nước tại thành phố Phủ Lý đạt 3,96 m (dưới báo động III: 0,14 m).

Công tác phòng chống lũ tại các sông trên địa bàn nói chung và sông Đáy nói riêng đã được tỉnh chủ động triển khai có hiệu quả nên tuyến đê sông Đáy thuộc địa phận tỉnh Hà Nam có chiều dài gần 50km vẫn được đảm bảo an toàn.         

Chiều 9/8, mực nước lũ trên sông Đáy tại khu vực trạm bơm Nhâm Tràng (xã Thanh Tân – Thanh Liêm) lên mức 3,64 m, cách báo động III gần 30 cm, trên đê tại Km122+700, thuộc thôn Tân Hưng, xã Thanh Tân đã xuất hiện sự cố sạt trượt mái đê.

Điểm sạt trượt có chiều dài 10 m, nằm ở đoạn đê xung yếu do mái đê có độ dốc cao. Ngay khi phát hiện ra sự cố, xã Thanh Tân đã báo cáo với Hạt quản lý đê và UBND huyện Thanh Liêm, đồng thời huy động lực lượng dân quân tự vệ cùng tham gia xử lý sự cố.

Điểm sạt trượt đã được đóng cừ tre để giữ cho chân đê khỏi bị sạt khi lũ có thể tiếp tục lên cao bờ bao xung quanh điểm sạt trượt được ngăn bằng các bao tải đất bóc toàn bộ lớp đất phong hóa đoạn sạt trượt và đầm đệm lại bằng lượng đất thịt và đất sét dự trữ trên đê. Sau khi các biện pháp kỹ thuật được triển khai, mái đê được đắp hoàn trả lại như cũ bằng đất sét để đảm bảo năng lực phòng chống lũ. Đến chiều 10/8, đã cơ bản xử lý xong sự cố.         

Cùng với việc chỉ đạo xử lý nhanh sự cố sạt trượt mái đê tại xã Thanh Tân, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam cũng thường xuyên thông báo tình hình lũ trên các sông, đồng thời yêu cầu các địa phương có sông chạy qua thực hiện chế độ trực theo cấp báo động với phương châm “4 tại chỗ”.

Tại các điếm canh đê trên toàn hệ thống đê sông Đáy đều có người trực 24/24 giờ từ khi có lũ. Đặc biệt, toàn bộ dân cư sống bên ngoài đê thuộc các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý (kể cả khu vực Tây Đáy của huyện Thanh Liêm) chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước lũ đã được tuyên truyền chủ động kê kích đồ đạc tránh bị ngập nước.

Các xã triển khai lực lượng an ninh tuần tra, canh gác bảo vệ tài sản của người dân. Phương án sơ tán, cứu nạn người dân ở những vùng nguy hiểm cũng được chuẩn bị sẵn sàng.          

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: Trên tuyến đê sông Đáy hiện có khá nhiều điểm xung yếu do một số nguyên nhân: chiều rộng mặt đê chưa đủ thiết kế, mái đê cả phía sông và phía đồng chưa đảm bảo yêu cầu thiết kế, nhiều đoạn cơ đê chưa có, thấp và nhỏ, gần 50% chiều dài đê chưa có tre chắn sóng…

Đặc biệt, trên tuyến đê này còn có cả những công trình xây dựng chưa qua thử thách, một số điểm đã từng xảy ra sự cố trước đây. Do vậy, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các địa phương đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống lụt bão, nhất là khi lũ sông Đáy đang ở mức cao và trên biển lại đang xuất hiện cùng lúc cả bão và áp thấp nhiệt đới.


Nguyễn Chinh
Đã chấm dứt đào đất sát đê bối sông Đáy

Sau khi báo Tin Tức đăng bài phản ánh thực trạng Bãi Làn - vùng bảo vệ đê bối sông Đáy thuộc địa bàn xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, bị “xẻ thịt” lấy đất làm gạch nhiều năm mà chưa được xử lý dứt điểm, Tỉnh ủy Nam Định đã chỉ đạo huyện Ý Yên khẩn trương giải quyết triệt để.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN