Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, kết quả kiểm nghiệm
thực phẩm đối với 8 mẫu măng tươi và măng khô lấy tại các chợ trên địa
bàn Hà Nội đều âm tính với phẩm mầu kiềm, hàm lượng lưu huỳnh tổng
(g/100g) từ 0,03- 0,82. Có 3 mẫu măng có hàm lượng lưu huỳnh cao là măng
lá, măng và măng củ khô. Theo Thạc sỹ Cao Văn Trung, Chuyên
gia về thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm, lưu huỳnh (người dân thường
gọi là diêm sinh) thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để
chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hơn hoặc ngâm hóa chất tẩy trắng
để làm cho sản phẩm măng trắng hơn nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Tại
Việt Nam, lưu huỳnh được xác định là hóa chất độc hại không được phép sử
dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Đáng lưu ý, theo khuyến cáo
của Tổ chức y tế thế giới (WHO), hàm lượng lưu huỳnh không nên vượt quá
20mg cho một kg sản phẩm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Để đảm bảo an toàn thực
phẩm, ngành chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn măng có màu
vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt
dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Bên cạnh
đó, măng tự nhiên còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không
bị mốc. Đặc biệt, người dân chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong
túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngoài thông báo các mẫu xét nghiệm thực phẩm đối với măng, Chi cục An
toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán
năm nay, qua xét nghiệm hóa lý và vi sinh vật đối với các mẫu rượu, hạt
khô, nước quả các loại, bánh kẹo, giò, nem chua, xúc xích, lạp xưởng đều
đảm bảo yêu cầu. Riêng xét nghiệm chất tạo ngọt, chất bảo quản và phẩm
mầu 18 mẫu ô mai phát hiện 1 mẫu ô mai ngũ vị của công ty cổ phần Qúy
Hợp, số 3 Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm có hàm lượng acesulfam K 2695 mg/kg
trong khi tiêu chuẩn cho phép là 1000 mg/kg.
Tuyết Mai