Hà Nội thu phí 4,5 triệu xe máy

Từ 21/7, gần 4,5 triệu xe máy tại Hà Nội sẽ phải nộp phí bảo trì đường bộ. Cấp xã, phường, thị trấn sẽ đứng ra thu khoản phí này. Tuy nhiên, phương án thu đến nay tại nhiều địa phương vẫn “mơ hồ”. Nếu thu không đúng, đủ, công khai đối tượng phải nộp thì rất dễ phát sinh tiêu cực.

 

Khó thu...


Hà Nội hiện có khoảng 7,1 triệu dân và đang chịu áp lực gia tăng dân số khu vực nội thành, với tốc độ tăng cơ học tới 50.000 người/năm và bình quân cứ hai người sở hữu một xe gắn máy. Đây chính là thách thức cho cấp xã, phường, thị trấn trong việc thu phí, nhất là việc xác định đối tượng để thu đúng, đủ.


Thời hạn thu phí đã cận kề, nhưng phương thức thu như thế nào vẫn rối “như gà mắc tóc”. Ảnh: LP

 

Ông Nguyễn Long, Tổ trưởng tổ dân phố 8, phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Tổ đã chuyển thông báo đăng ký số xe gắn máy đến từng hộ gia đình từ cách đây 2 tháng, nhưng để thống kê được mỗi hộ có bao nhiêu xe là việc không hề đơn giản. Vì có hộ khai đúng, có hộ sai hoặc không khai, không hồi âm. Thậm chí có xe để ở nhà, nhiều hộ cũng bảo là xe của người khác, trong tình huống đó, những người thu phí lại không có quyền đòi xem giấy đăng ký xe. Nếu không có quy chế thu phí chặt chẽ thì sẽ rất khó đánh giá phường nào hoàn thành nhiệm vụ. Chưa hết, hiện số lượng xe không chính chủ của phường khá nhiều. Vậy căn cứ vào đâu để thu phí loại xe này?...


Bác Nguyễn Vân Anh, ở phố Thái Hà (quận Đống Đa) chia sẻ: Việc quản lý số tiền thu được cũng là vấn đề đối với từng tổ dân phố, nhất là quá trình vận chuyển, giao nộp cho phường nếu bị thất thoát thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm...?


Anh Đức Tuấn, lái xe “ôm” ở chợ Long Biên (quận Hoàn Kiếm), cho biết, anh chưa nhận được thông báo nộp phí, vì không sinh sống tại Hà Nội, mà chỉ thuê nhà tạm trú. Nếu phải đóng, anh sẽ về đóng tại địa phương.
Chủ tịch UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông) Lê Khánh Đồng cho biết: Đến nay, UBND phường vẫn chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn việc thu phí. Phường hiện chỉ có 19 cán bộ nhân viên, nhưng hằng ngày phải giải quyết một lượng lớn công việc. Nay kiêm thêm việc thu phí, chắc chắn, công việc sẽ bộn bề hơn. Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) Lê Văn Thành nhận định: Nếu xác định cấp cơ sở thu phí, liên bộ cần xây dựng quy định cụ thể đối với những người sống ở Hà Nội nhưng xe lại đăng ký ở tỉnh khác và ban hành chế tài xử phạt cụ thể đối với những người cố tình không nộp phí...


Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Nội nên tổ chức triển khai thí điểm ở một phường nào đó để rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân rộng, bởi nếu triển khai đại trà ngay thì sẽ phát sinh nhiều bất cập.

 

Thu ngay đối với xe chính chủ


Tình trạng nhập cư ngày càng tăng, lưu lượng xe lưu thông trên đường lớn khiến cho việc giải quyết nạn ùn tắc, duy tu và bảo dưỡng đường bộ ngày càng khó khăn và tốn kém. Với gần 4,5 triệu xe gắn máy hiện có, nếu thu phí đúng, đủ, ước tính mỗi năm Hà Nội sẽ thu về được hơn 605 tỷ đồng từ 154 phường, 404 xã và 22 thị trấn. Trong khi đó, theo tính toán mỗi năm hệ thống giao thông đường bộ của Thủ đô cần khoảng 844 tỷ đồng để bảo trì. Tuy số tiền thu được chưa đáp ứng được nhu cầu về kinh phí bảo trì đường bộ, song cũng sẽ giúp giảm áp lực cho ngân sách của thành phố.


Về việc quản lý, sử dụng nguồn phí thu được, thành phố Hà Nội quy định, các phường, thị trấn được để lại 10%; các xã được để lại 20% số phí thu được. Số tiền còn lại, trường hợp thành phố đã thành lập Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, thì hàng tuần đơn vị thu phí phải nộp vào tài khoản của Quỹ mở tại Kho bạc Nhà nước và hàng tháng lập tờ khai nộp phí sử dụng đường bộ thu được theo mẫu quy định của Bộ Tài chính.


Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Phương án thu phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy đã được Chính phủ và Bộ Tài chính quy định tại các nghị định, thông tư, từ việc lập các tổ công tác đến trích lại phần trăm. Do đó, Hà Nội sẽ căn cứ vào các quy định này để thu phí. Về việc thực hiện phương án thu phí, nhiều xã, phường, thị trấn hiện mới thống kê và có thể thu phí đối với xe máy chính chủ. Việc thu phí đối với xe không chính chủ hiện nay vẫn chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng.

 

Theo quy định tại Thông tư 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012, với xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy (không phải xe máy điện), mức thu phí với xe đến 100 cm3 là 50.000 đồng/năm; trên 100 cm3 là 100.000 đồng/năm; xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng, hộ nghèo được miễn phí. Đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 1/1/2013 thì tháng 8/2013 phải khai, nộp phí cả năm 2013; đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 - 30/6/2013 phải khai, nộp phí 1/2 mức thu năm và thời điểm khai, nộp chậm nhất là ngày 30/8/2013; với phương tiện phát sinh từ 1/7/2013 - 31/12/2013 phải khai, nộp phí vào tháng 1/2014 cho phí phải nộp năm 2014 và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm 2013. Kể từ ngày 1/1/2014 trở đi, với những phương tiện phát sinh từ ngày 1/1 - 30/6 hàng năm phải khai, nộp phí với mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm và nộp chậm nhất là ngày 31/7 hàng năm.

 

Tiến Hiếu

Hà Nội thu phí 4,5 triệu xe máy
Hà Nội thu phí 4,5 triệu xe máy

Từ 21/7, gần 4,5 triệu xe máy tại Hà Nội sẽ phải nộp phí bảo trì đường bộ. Cấp xã, phường, thị trấn sẽ đứng ra thu khoản phí này. Tuy nhiên, phương án thu đến nay tại nhiều địa phương vẫn “mơ hồ”. Nếu thu không đúng, đủ, công khai đối tượng phải nộp thì rất dễ phát sinh tiêu cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN