Đến thời điểm này các cơ quan, doanh nghiệp, trên địa bàn Thủ đô nợ đọng bảo hiểm xã hội trên 1.000 tỷ đồng; trong khi đó năm 2014, Hà Nội được giao thu bảo hiểm là trên 21.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu này được Bảo hiểm Hà Nội nhận định là khó thực hiện bởi tình trạng nợ đọng khó đòi đang có chiều hướng gia tăng. Để giải quyết "bài toán" này, ngày 12/3, Bảo hiểm xã hội Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giảm nợ bảo hiểm thực trạng và giải pháp”.
Bà Huỳnh Thị Phương Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm nợ đọng, kể cả khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm ra tòa. Tuy nhiên, công tác khởi kiện những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm gặp nhiều khó khăn, thủ tục hồ sơ phức tạp, quá trình thụ lý và xét xử chậm. Trong khi đó, hiệu quả thu hồi nợ đọng không cao, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thể thi hành án vì cơ quan bảo hiểm xã hội không thể xác định được số tài khoản cũng như tài sản của doanh nghiệp.
Để công tác thu hồi nợ đạt hiệu quả, lãnh đạo Bảo hiểm thành phố đề nghị, UBND thành phố Hà Nội đẩy mạnh chỉ đạo các sở ngành, quận huyện, thị xã triển khai Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020” trên địa bàn Thủ đô.
Trước thực tế cán bộ ngành bảo hiểm xã hội của một số quận, huyện của Hà Nội bị các doanh nghiệp sử dụng lao động từ chối hoặc trốn tránh làm việc, bà Nguyễn Thị Ngọc - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Cầu Giấy đưa ra giải pháp cần thành lập nhiều đoàn liên ngành gồm: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Thuế, chính quyền sở tại, để đôn đốc, vận động doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo đúng luật định.
Bên cạnh đó, thanh tra liên ngành cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Theo bà Lê Thị Tố Nga - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đan Phượng, chính quyền địa phương nắm rõ nhất các điều kiện kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hay khó khăn để từ đó yêu cầu đơn vị phải đóng bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Tại tọa đàm, các ý kiến cũng chỉ ra, hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang lợi dụng chính sách, cố tình chây ỳ nợ đọng, chậm, muộn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, dẫn đến khó khăn trong cân đối quỹ bảo hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan, các địa phương cũng như tăng mức xử phạt hành chính đối với đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Mạnh Khánh