Trong thời gian qua, một số người dân và cơ quan báo chí phản ánh về việc hàng cây phong lá đỏ trồng tại đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh bị chết khô; không phát triển; rụng lá… làm mất mỹ quan đô thị. Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, qua kiểm tra thực tế tại hai tuyến phố trên, đơn vị ghi nhận có tổng số 262 cây phong (Trần Duy Hưng 143 cây và Nguyễn Chí Thanh 119 cây); trong đó, có 45 cây chết, 217 cây sống. Những cây sống, hiện trạng sinh trưởng kém hay bị héo cành, lá và sâu bệnh.
Về nguồn gốc cây số cây phong kể trên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2018, thành phố Hà Nội chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường trồng thí điểm, tặng thành phố theo phương thức xã hội hóa.
Trước thực trạng cây phong bị hạn chế khả năng sinh trưởng phát triển trên tuyến đường trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội về việc thay thế số cây trên bằng cây bàng lá nhỏ. Cây thay thế có đường kính thân từ 10 đến 15 cm, chiều cao vút ngọn từ 6 - 8 mét. Các cây bàng được trồng đều được yêu cầu có thân thẳng, dáng cân đối, phân cành cao để không làm ảnh hưởng đến giao thông.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã có văn bản chấp thuận phương án thay thế trên bằng nguồn vốn ngân sách; đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Thông tin và truyền thông, quận Đống Đa, Cầu Giấy, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thông tin rộng rãi về việc di dời hàng cây phong, trồng thay thế hàng cây bóng mát.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, hiện đang giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và một số đơn vị liên quan thực hiện phối cảnh chung của tuyến đường, đánh chuyển, trồng thay thế, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4 và 1/5. Về "số phận" cây phong lá đỏ kể trên, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đề xuất đánh chuyển về vườn ươm, chăm sóc sinh trưởng phát triển tốt để trồng tại vị trí phù hợp hơn.