Công nhân lao động khó khăn chồng chất
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã tác động không nhỏ đến đời sống đội ngũ công nhân lao động. Thu nhập giảm sút, cộng với việc phải lo tiền thuê trọ, tiền thuốc men chữa bệnh, cuộc sống nhiều công nhân lao động khó khăn chồng chất khó khăn. Chị Phạm Thị Hoa, quê ở xã Hồng Lạc, Thanh Hà làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Formosta (thành phố Hải Dương) đến nay đã được 8 năm. Cách đây mấy năm, chị phát hiện mình mắc bệnh lupus ban đỏ, hiện giờ mỗi tháng chị tốn khoảng hơn 3 triệu đồng để chữa bệnh. Đợt dịch vừa rồi Công ty ít việc nên thu nhập của chị thấp nên chị phải tìm và làm thêm các việc khác để trang trải sinh hoạt hàng ngày”.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Formosta hiện có khoảng 1.400 lao động với đa phần là lao động nữ. Theo đại diện Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Formosta, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, đa dạng sản phẩm, tạo việc làm, duy trì mức thu nhập tối thiểu cho người lao động. Sự quan tâm của Liên đoàn Lao động tỉnh là nguồn động viên tinh thần cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo thống kê của Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương, đến hết tháng 4/2020, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều không tổ chức cho công nhân lao động làm thêm giờ. Đã có 61 doanh nghiệp cho trên 11.000 công nhân lao động nghỉ việc luân phiên. Có 107 doanh nghiệp cho 12.400 công nhân lao động nghỉ việc có thời hạn và 26 doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đối với 2.477 công nhân lao động.
Trong bối cảnh đó, các cấp công đoàn tỉnh Hải Dương đã tăng cường các hoạt động chăm lo, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho nhóm lao động yếu thế, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương cho biết, nhằm chia sẻ với khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các cấp công đoàn đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều chương trình, hoạt động. Đặc biệt, Liên đoàn lao động các cấp đã tiết kiệm chi tiêu trong tổ chức các hoạt động phong trào để dành nguồn hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương đã khảo sát công nhân lao động tại 9 khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh tập trung đông công nhân lao động ở trọ để chia sẻ phần nào khó khăn cho người lao động.
Từ kết quả khảo sát, các cấp công đoàn đã vận động 114 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê nhà từ 25-30% giá thuê từ 3-6 tháng tại 702 phòng trọ cho trên 1.600 công nhân lao động. Ước tính số tiền thuê trọ mà công nhân đã được giảm khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Ban chính sách – pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, tháng công nhân năm 2020, Liên đoàn lao động tỉnh đã tăng cường hoạt động chăm lo, hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với nhóm lao động yếu thế, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Vừa qua, Liên đoàn lao động tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà đối với 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các doanh nghiệp và 204 công nhân tại các khu nhà trọ.
Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở tiết kiệm chi để dành nguồn lực quan tâm động viên, chăm lo cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Là một trong những công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Formosta được nhận quà của Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương trao tặng trong tháng công nhân năm 2020, chị Phạm Thị Hoa chia sẻ: “Những ngày qua, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, nay được nhận quà và sự động viên của Liên đoàn lao động tỉnh, tôi rất vui và biết ơn công đoàn và ban lãnh đạo Công ty”.
Giúp công nhân lao động tiếp cận với chính sách hỗ trợ
Nhằm giúp công nhân lao động tiếp cận với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, các chế độ, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương để đoàn viên, người lao động biết và thực hiện. Cùng với đó, Liên đoàn lao động tỉnh cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chủ sử dụng lao động rà soát, xác nhận thông tin trên bảng tổng hợp danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương để đề nghị hỗ trợ cho người lao động đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời.
Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương cũng đã có kế hoạch triển khai hỗ trợ những giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các trường học, cơ sở giáo dục. Hiện tại, liên đoàn lao động các huyện, thành phố, thị xã đang khẩn trương rà soát, lập danh sách để gửi Liên đoàn lao động tỉnh trước 18/5. Đồng thời, Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu công đoàn cơ sở nâng cao vai trò giám sát chủ sử dụng lao động khi cắt giảm lao động nhằm đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động khi bị cắt giảm lao động, quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ và những lao động khó khăn.
Ở những đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và buộc phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tư vấn chuyển nghề hoặc giới thiệu thông tin tuyển dụng cho người lao động để tìm cách hỗ trợ việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.
Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương cũng cho biết, Liên đoàn lao động tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất với tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với người lao động ở những doanh nghiệp buộc phải tạm hoãn hợp đồng đối với người lao động, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.