Theo quy định về điều kiện công nhân được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng phải có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian của hợp đồng lao động từ 1 tháng liên tục trở lên kể từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020. Tuy nhiên, để công nhân, người lao động đủ điều kiện trên, công tác thẩm định hồ sơ phải trải qua “5 cửa”, đó là doanh nghiệp lập danh sách người lao động, sau đó công đoàn cơ sở, bảo hiểm xã hội, UBND huyện và UBND tỉnh kiểm tra, phê duyệt, người lao động mới hội đủ điều kiện được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng và không vượt quá 3 tháng.
Ông Nguyễn Hữu Đại, Chủ tịch Công đoàn Khu vực Khu công nghiệp Đồng Xoài - Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cho biết do nhiều khâu xác nhận, thẩm định để phê duyệt đủ điều kiện từng công nhân, người lao động từ cấp cơ sở lên đến tỉnh, đến nay đa số công nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Riêng công nhân, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, chỉ cần qua chính quyền xã hoặc phường nơi cư trú để xác nhận là được nhận hỗ trợ. Nhưng số lao động này chiếm tỷ lệ ít trong số hàng ngàn công nhân gặp khó đang chờ từng ngày để được hỗ trợ.
Trong đại dịch COVID-19, trên địa bàn Bình Phước có 90 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, trong đó có 89 đơn vị phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, khiến hàng chục ngàn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 7.637 công nhân, người lao động đang gặp khó khăn, nhất là công nhân bị tai nạn lao động, ốm đau... cần được hỗ trợ sớm.
Đến nay, Bình Phước có 72.678 người thuộc diện được hỗ trợ, gồm người có công hưởng trợ cấp thường xuyên; người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, khoảng 60.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm bởi đại dịch COVID-19. Tổng kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách tỉnh dự kiến khoảng 354 tỷ đồng.