Chị Nguyễn Thị Tính, Trạm Khí tượng chợ Rã (Bắc Kạn) chỉ bảo kinh nghiệm trong nghề cho con gái, cũng là đồng nghiệp. |
Địu con đo khí tượng trong đêm
Gian nhà cấp 4 cũ kỹ, tuềnh toàng nằm trên ngọn đồi khuất nẻo tại thị trấn chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), là nơi chị Nguyễn Thị Tính đã gắn bó với nghề khí tượng hơn 25 năm nay.
Đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ chỉ để vừa chiếc giường và một số dụng cụ máy móc, chị Tính rót nước mời khách. Tự nhận mình không có “khiếu” trong giao tiếp và cũng xúc động quá khi có người quan tâm đến công việc thầm lặng của mình, chị Tính cười nói: “Mình không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu nữa”, rồi quay sang đồng nghiệp, cũng là con gái, chị tỏ ý “cấp cứu”.
Cô gái nhỏ Ma Thị Minh Hảo nhanh nhẹn chỉ những máy móc trong phòng, giới thiệu về tính năng của từng chiếc máy để bắt đầu câu chuyện. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được cùng tham gia một ca “ốp” (đo khí tượng) của mẹ con chị, chị vui vẻ nhận lời.
Nơi đặt các thiết bị quan trắc khí tượng nằm trên đỉnh đồi. Đường lên là những bậc thang đất, dốc gần như thẳng đứng. Người chưa quen phải cẩn thận bước từng bước nếu không dễ xảy chân. Ấy vậy mà ngày ngày đều đặn cứ 4 lần: 1 giờ sáng, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ, chị Tính và con gái thay ca lên trạm quan trắc để truyền dữ liệu về trung tâm.
Nhiệm vụ chính của mẹ con chị là quan trắc mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm để báo về Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc và Bắc Kạn, phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương, nông nghiệp và an ninh quốc phòng.
Khoảng thời gian 25 năm làm quan trắc viên của mình, chị Tính không thể đo đếm được mình đã trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả. Nhưng có những kỷ niệm mà có lẽ cả đời chị sẽ không bao giờ quên.
“Cái vất vả nhất của khí tượng là phải đo đạc cả ban đêm, nhất là những hôm mưa bão hay thời tiết thất thường thì phải đo 1 tiếng 1 lần để cập nhật thông tin. Hồi đó, con gái tôi chưa đầy 1 tuổi, đêm ngủ không thấy mẹ là khóc nên làm ca đêm tôi cũng phải mang con đến trạm, 1 giờ sáng đi “ốp” phải địu con trên lưng lên đài khí tượng. Nhiều hôm con theo mẹ lên trạm, chơi loanh quanh rồi té ngã lúc nào không biết. Thương con mà cũng không biết làm cách nào khác”, chị Tính kể.
Hay cách đây vài tuần, trong ca “ốp” ban đêm, trời mưa bão, đường trơn nên chị trượt chân ngã, lăn từ đỉnh đồi xuống dưới. “Hôm đó đo xong rồi, đang trên đường xuống thì bị ngã nhưng đến giờ phải truyền dữ liệu nên vẫn phải làm ngay, chuyển tin xong mới thấy mình đang rét run, quần áo rách lúc nào không biết, tay chân thì xước xát, rớm máu. Cũng may “mình đồng da sắt” nên chỉ bị chấn thương nhẹ, không có gì nguy hiểm”, chị Tính lạc quan.
Thế nhưng đồng nghiệp, cũng là con gái đứng cạnh đã nhanh nhảu “tố cáo”, dù không phải nằm viện nhưng đến giờ chị vẫn bị đau ê ẩm khắp người, vẫn phải lấy dầu xoa bóp.
Ma Thị Minh Hảo trong ca “ốp”, chuyển thông tin về trung tâm. |
“Vất vả nhưng đó là đam mê”
Cũng chính vì được theo chân mẹ “đếm gió, đo mưa” từ nhỏ mà Ma Thị Minh Hảo đã có niềm đam mê với nghề khí tượng tự lúc nào không hay. Thế nên khi thi đại học, em quyết định thi vào trường Đại học Tài nguyên và Môi trường để nối nghiệp mẹ.
Hảo kể, ngày bé đi theo mẹ, thấy mẹ và các cô chú làm việc cũng đến hỏi. Biết mọi người đo gió, đo mây, đo mưa... em đã thấy công việc này rất thú vị. Khi lớn lên, đi học, hiểu được nguyên lý nên càng học càng thấy thích thú với ngành này.
Khi Hảo ra trường cũng là lúc Trạm Khí tượng chợ Rã thiếu nhân lực, em được nhận về làm nhân viên hợp đồng, làm “đồng nghiệp” của mẹ. Mới thực sự trở thành nhân viên khí tượng được một thời gian ngắn nhưng Hảo cũng đã có những kỷ niệm “để đời”.
Hảo kể, những hôm bão, thời tiết bất thường thì phải quan trắc 30 phút đến 1 tiếng 1 lần, liên tục như vậy, có hôm nhịn ăn, nhịn uống, thậm chí... nhịn cả vệ sinh. Nhưng sợ nhất là những đêm mưa bão và có dông sét. Đã mấy lần đối diện với thời tiết nguy hiểm, lần nào Hảo cũng thấy sợ. Đến giờ Hảo vẫn không thể quên đêm mưa bão cách đây chưa lâu, lúc đó chỉ có mình Hảo trực tại trạm.
“Cột gió cách mặt đất 12 mét nên rất hút sét. Hôm đó, sét đánh vào cột gió rồi theo đường truyền về phòng làm việc, một số máy móc bị hỏng, điện thoại bàn cũng bị cháy, em phải lấy điện thoại di động gọi về trung tâm chuyển số liệu, vừa gọi cũng vừa nơm nớp bị sét đánh”, Hảo chia sẻ.
Khi được hỏi, nghề này tương đối vất vả đối với nữ giới, nhưng tại sao lại quyết tâm theo? Hảo cười giòn nói, chứng kiến mẹ em làm nghề từ bé, em hoàn toàn hiểu những khó khăn khi con gái theo nghề khí tượng. “Mẹ em đã phải cố gắng sắp xếp thời gian để cân bằng cuộc sống, có khi sau ca đêm phải về từ 5 giờ sáng nấu ăn cho cả nhà rồi lại tất bật lên trạm cho kịp giờ “ốp” lúc 7 giờ sáng. Thế nhưng đam mê vẫn là đam mê, vất vả nhưng em vẫn thích làm nghề khí tượng”, Hảo cho hay.
Nỗi vất vả và tình yêu nghề của mẹ con chị Tính tại Trạm Khí tượng chợ Rã bất giác làm tôi nhớ đến truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, viết về cuộc sống của một cán bộ khí tượng trẻ, sống một mình trên đỉnh núi, âm thầm làm công việc đo gió, mưa, nắng, phục vụ chiến đấu, sản xuất. Họ có một điểm chung, đó là dù công việc âm thầm, gian nan đến đâu thì vẫn luôn nở nụ cười rất đỗi lạc quan, và trên hết là tình yêu nghề không hề bị lay động. Đó là điều trân quý nhất.