Đất ruộng khô cằn, nứt nẻ do thiếu nước. |
Đồng Mậm là thôn vùng sâu vùng xa của xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nằm giữa hồ đại thủy nông Cấm Sơn. Trước đây, thôn Đồng Mậm không có phương tiện đường bộ ra vào nên nhiều người vẫn gọi nơi đây là “ốc đảo” của tỉnh.
Hiện nay, thôn Đồng Mậm có hơn 100 hộ dân sinh sống với khoảng 300 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông với 2 loại cây trồng chính là lúa và vải thiều.
Từ đầu năm đến nay, số ngày có mưa chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là mưa nhỏ. Vì thế lượng nước tại hồ Cấm Sơn hạ xuống thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Hai bên bờ hồ trơ ra những vùng đất đỏ có độ cao gần chục mét so với mực nước, cây dại và cỏ mọc um tùm.
Trước đó, đây là nơi vốn ngập nước, không thể canh tác nhưng nay do hạn hán kéo dài, lộ vùng đáy đất nên cây cỏ dại mới mọc được. Theo người dân địa phương, thiếu nước vào đúng thời điểm cây lúa đang trổ đòng dẫn tới tình trạng hạt lép, hỏng, không thu hoạch được.
Cây vải thiều cũng có chung số phận với cây lúa, vụ vải năm nay của thôn Đồng Mậm cũng mất đến 80% sản lượng. Số cây vải ra quả ít, quả lại rất nhỏ, mọc lưa thưa, không đậu được thành chùm như mọi năm.
Gia đình chị Lâm Thị Sa ở thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, có 8 sào ruộng thì mất trắng hơn nửa, chưa kể 40 gốc vải của gia đình chị cũng không có cây nào thu hoạch được do thiếu nước tưới.
Chị Sa cho biết: “Bao nhiêu vốn liếng trong nhà, gia đình tôi đầu tư vào trồng vải, cấy lúa. Nhưng năm nay hạn hán, lúa không ra hạt, vải cũng mất mùa. Tiền đong gạo hằng ngày cũng chẳng có, không biết xoay ở đâu, vin nhờ vào ai”.
Hạn hán kéo dài không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu đất canh tác, mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân Đồng Mậm. Theo ông Đỗ Văn Chéo, cả đời ông sống ở đây chưa thấy năm nào hạn nặng và kéo dài như năm nay. Gia đình ông đã “đắp chiếu” giếng khoan gần nửa năm do nước lúc có lúc không và có nhiều cặn bẩn.
Ông phải dòng vòi vào suối cách nhà gần nửa cây số để kéo nước về nhưng cũng hôm được, hôm mất. “Nước có kéo được trên rừng về cũng không đáng kể, lúc có lúc không. Gia đình tôi bây giờ dùng nước rất tiết kiệm. Tận dụng nước vo gạo rửa rau, hạn chế tắm rửa, phung phí nước sạch. Bây giờ quý nhất là nước dùng”, ông Chéo cho biết.
Ông Hứa Thủy, Trưởng thôn Đồng Mậm cho biết: Giờ này hằng năm, nước đã lên tới chân khu trung tâm của thôn, năm nay nước rút ra xa đến cả cây số. Do lượng nước hồ liên tục xuống thấp nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Ước tính, tổng thiệt hại của cả thôn do hạn hán năm nay lên tới hàng tỉ đồng.
Về nguyên nhân hạn hán, Trưởng thôn Đồng Mậm giải thích: Hồ Cấm Sơn tuy rất rộng nhưng không lưu thông với sông lớn nào, nước trong hồ chủ yếu từ các khe, lạch, suối trên những ngọn núi quanh hồ chảy về. Vì thế, mực nước hồ phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa tại địa phương.
Mực nước hồ Cấm Sơn hạ xuống thấp khiến việc canh tác và sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. |
Hồ thủy nông Cấm Sơn chủ yếu phục vụ nước tưới tiêu cho các vùng lân cận, nhất là các vùng nông nghiệp của huyện Lục Ngạn. Hạn hán kéo dài, ít mưa đồng nghĩa với việc lượng nước hồ được bơm và san sẻ xuống các vùng nói trên càng lớn, mực nước sẽ ngày càng rút sâu.
Trong khi đó, từ nhiều đời nay, ruộng vườn và nhà ở của bà con trong thôn Đồng Mậm luôn ở khu vực cao so với mặt nước để tránh lụt lội. Nay, nước rút sâu đồng nghĩa với vùng canh tác và sinh hoạt của bà con bị đẩy ra cách nguồn nước rất xa.
Người dân trong thôn chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, do đó để thuê máy bơm công suất lớn lấy nước từ xa hàng ki lô mét để tưới tiêu là rất tốn kém, người dân không có khả năng chi trả. Chưa kể, biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt, không bền vững.
“Con đường Đồng Mậm đã được các nhà hảo tâm xây dựng và hoàn thành từ năm 2014, giúp việc đi lại, vận chuyển từ trung tâm xã Sơn Hải đến “ốc đảo” Đồng Mậm trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của bà con thôn Đồng Mậm hiện nay là được xây một trạm bơm công suất lớn để việc tăng gia, sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt không còn phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên. Như vậy, câu chuyện vô lý “hạn hán giữa lòng hồ” cũng sẽ được giải quyết triệt để”, ông Hứa Thủy khẳng định.