Nhiều thách thức, khó khăn
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của UBND tỉnh Đắk Nông, tổng thiệt hại do hạn hán, thiên tai trong mùa khô năm 2015 – 2016 trên toàn tỉnh là gần 1.100 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông trong năm 2016. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông nhận định hạn hán đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành sản xuất liên quan tới nông nghiệp và kinh tế - xã hội của cả tỉnh.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng, đợt hạn hán vừa qua đã làm gần 8.000 hộ dân với khoảng 36.000 nhân khẩu tại nhiều địa phương tỉnh Đắk Nông bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó có khoảng 1.500 hộ dân phải mua nước sinh hoạt với giá cao, có nơi lên đến 120.000 đồng/m 3 . Vào cao điểm hạn (cuối tháng 4/2016), toàn tỉnh Đắk Nông có 56 hồ, đập thủy lợi cạn kiệt nước hoặc hoặc mực nước ở dung tích chết.
Việc chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng tại Đắk Nông hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn khác. Nhất là việc nhiều loại cây công nghiệp dài ngày cần nhiều nước tưới vào mùa nắng như cà phê, tiêu… đã phát triển vượt xa quy hoạch. Hàng nghìn ha hai loại cây trồng này đã được nông dân trồng cả tại các khu vực có điều kiện thổ nhưỡng không thực sự phù hợp, hoặc có nguy cơ cao khan hiếm, thiếu nước tưới vào mùa nắng. Thêm nữa, việc tích nước để chủ động tưới tiêu cho cây trồng vào mùa nắng tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng khó khăn do chất lượng công trình. Hiện có khoảng 1/3 trong tổng số hơn 200 công trình thủy lợi đã hư hỏng, xuống cấp; gần 50% tổng số công trình đang xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn; và hàng chục công trình đang bị bè cỏ, mảng cỏ chiếm dụng lòng hồ, vừa ảnh hưởng đến tích trữ nước vào mùa khô và đe dọa an toàn cống xả vào mùa mưa.
Bên cạnh việc sử dụng nguồn nước từ các sông, hồ tự nhiên và các công trình thủy lợi, nông dân các địa phương tỉnh Đắk Nông cũng sử dụng nước ngầm để phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nguồn nước ngầm đang suy giảm, và có dấu hiệu cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 giếng khơi, giếng khoan người dân tự làm để phục vụ tưới nước, nhưng trong đợt cao điểm hạn mùa khô vừa qua, đa số giếng đã cạn kiệt nước, làm ảnh hướng tới hơn 4.500 ha cà phê, tiêu…
Chủ động từ giữa mùa mưa
Chủ động nước tưới cho cây trồng trong mùa khô là việc “đến hẹn lại lên” đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Theo ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, căn cứ vào tình hình thời tiết, khô hạn trong mấy năm gần đây, từ đầu tháng 12 vừa qua, UBND xã đã có công văn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã và phổ biến sâu rộng trong nhân dân với nội dung kêu gọi tích trữ nguồn nước tưới cho mùa khô. Theo đó, UBND Đắk Lao chỉ đạo Ban Tự quản phối hợp với các chi hội đoàn thể vận động người dân tham gia quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn, tạo điều kiện để đơn vị quản lý các công trình thủy lợi nâng ngưỡng tràn các công trình lên từ 0,3 – 0,5 m để tích trữ được tối đa dung tích nước tưới cho mùa khô. Đồng thời kêu gọi người dân chủ động tích trữ nước các tiểu hồ trên các suối, dòng chảy tự nhiên và chủ động tưới tiết kiệm theo đúng lịch thời vụ để có hiệu quả cao nhất.
Mấy năm gần đây, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô là 3 huyện thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán so với các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, trong mùa khô năm 2016 – 2017, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt tại ba địa phương này. Ngành nông nghiệp Đắk Nông cũng đã lên phương án đối phó với hạn hán, chủ động nguồn nước. Cụ thể, đối với huyện Krông Nô, nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả tỉnh, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân chủ động gieo sạ sớm hơn mọi năm; chỉ đạo đơn vị quản lý các công trình thủy lợi nạo vét kênh mương dẫn nước, bố trí người túc trực để điều phối nguồn nước nhằm đảm bảo tưới tiêu cho hàng nghìn hecta lúa tại đây. Đối với hai huyện Đắk Mil, Cư Jút, ngành chức năng phối hợp với với Chi nhánh Công ty khai thác công trình thủy lợi huyện tích trữ nguồn nước tại các hồ đập thủy lợi, đồng thời lên phương án dẫn dòng, bơm chuyển, điều tiết nước giữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng khi xảy ra hạn hán.
Theo ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, việc chuẩn bị nước tưới cho mùa khô năm nay đã được đơn vị này lên kế hoạch và chỉ đạo chi nhánh tại 8 huyện, thị xã trong tỉnh ngay từ giữa mùa mưa. Mục tiêu trọng tâm của đơn vị này là chủ động nguồn nước tưới cho gần 35.000ha cây trồng các loại, trong đó gần 28.000 ha cây công nghiệp dài ngày, gần 3.500 ha lúa nước, còn lại là các loại cây trồng khác… Tổng kinh phí chống hạn trong mùa khô 2016 – 2017 là 40 tỷ đồng.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Đắk Nông đang phối hợp với các địa phương tiếp tục khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, nâng ngưỡng đập tràn để đảm bảo tích được lượng nước tối đa cho mùa khô; tiếp tục khuyến cáo người dân không gieo trồng các loại cây ngắn ngày tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, đồng thời căn cứ vào điều kiện thời tiết để gieo trồng cho phù hợp thời vụ. Ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng với tình hình hạn hán ngày càng gay gắt hiện nay.