Phóng viên TTXVN thực hiện chùm ba bài viết phản ánh về thực trạng, các giải pháp của tỉnh Bắc Ninh trong việc giải quyết tình trạng môi trường tại địa phương này.
Bài 1: Ký ức bên dòng sông chết
Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm tại sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Mặc dù nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định nhưng để giải quyết vấn đề lại là quá trình không đơn giản.
Từ ô nhiễm môi trường...
Trên địa bàn phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh hiện có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy, trong đó tại Cụm Công nghiệp Phong Khê I có 73 cơ sở; Cụm Công nghiệp Phong Khê II có 59 cơ sở; 194 cơ sở nằm trong khu dân cư Dương Ổ, Đào Xá, Châm Khê và khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành giấy.
Đánh giá về thực trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Phương cho biết, ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm, có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất được đổ ven đê sông Ngũ Huyện Khê, các khu vực đất trống gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan khu dân cư. Riêng khối lượng chất thải rắn tồn đọng qua nhiều năm khoảng trên 30.000 tấn, chưa kể khí thải của trên 300 lò hơi không được xử lý triệt để đã gây ô nhiễm môi trường không khí. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất xả nước thải không qua xử lý ra các kênh, cống rãnh, ao hồ, đồng ruộng xung quanh, sau đó chảy ra sông Ngũ Huyện Khê và chảy vòng sông Cầu gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hạ tầng các Cụm Công nghiệp ở Phong Khê ít được coi trọng; hạ tầng giao thông, thoát nước không được thực hiện đồng bộ nên bị xuống cấp nhanh. Hiện tại, Cụm Công nghiệp Phong Khê 2 chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Vì vậy, phường Phong Khê nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê Nguyễn Hà cho biết, trước đây, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất giấy với công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, khí thải nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, khó khắc phục.
Ðể giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, năm 2008, UBND thành phố Bắc Ninh đã đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề giấy Phong Khê với công suất thiết kế là 10.000 m3/ngày đêm, chia làm 2 giai đoạn. Năm 2018, giai đoạn 1 của dự án đi vào hoạt động thử nghiệm. Tuy nhiên, do hiệu quả xử lý về công suất và chất lượng sau xử lý không đạt tiêu chuẩn thiết kế, cho nên năm 2020, đơn vị vận hành hệ thống đã bàn giao lại cho Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế cải tạo, nâng cấp hệ thống. Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giấy vẫn lén lút xả thải trực tiếp ra dòng Sông Ngũ Huyện Khê, khiến dòng sông này bị “bức tử”.
… đến “dòng sông chết”
Ở Bắc Ninh, người dân thường gọi sông Ngũ Huyện Khê là “dòng sông chết” bởi nhiều năm qua dòng sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân nơi đây. Nguyên nhân là do dòng sông này phải tiếp nhận nước thải từ các làng nghề, Cụm công nghiệp sản xuất giấy ở phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du).
Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Vân, thôn Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, dòng sông Ngũ Huyện Khê hiền hòa xanh mát ngày nào nay đã biến mất, đổi lại là những ám ảnh về mùi hôi thối nồng nặc. Nhớ lại quá trình phát triển làng nghề, ông Nguyễn Văn Vân cho biết, nghề làm giấy ở Phong Khê có từ rất lâu. Trước đây người dân sản xuất giấy theo phương pháp thủ công nên ít ảnh hưởng đến môi trường. Đến năm 1992, người dân và các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí kết hợp với ô nhiễm dòng sông Ngũ Huyện Khê khiến người dân luôn phải sống trong tình trạng bức bối và ngột ngạt. “Hầu hết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều sử dụng nguyên liệu đốt chính là than để đốt lò. Bên cạnh đó, các loại hóa chất, nước thải trong hoạt động sản xuất, tái chế giấy xả thải hóa chất trực tiếp ra sông làm cho dòng sông Ngũ Huyện Khê đặc quánh, sình lầy, ô nhiễm trầm trọng”, ông Nguyễn Văn Vân chia sẻ.
Chứng kiến dòng sông Ngũ Huyện Khê bị bức tử, ông Nguyễn Tiến Ngào, khu Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh không khỏi xót xa. Với ông Ngào dòng sông Ngũ Huyện Khê trong xanh, đầy ắp cá, tôm giờ chỉ là ký ức. Mỗi lần, đi dọc bờ sông Ngũ Huyện Khê, mọi người không khỏi rùng mình trước sự ô nhiễm của dòng sông. “Không những thế, nước từ sông Ngũ Huyện Khê lại xả ra sông Cầu, gây ô nhiễm dòng chảy, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông, ven sông cũng như đời sống sinh hoạt của người dân quanh khu vực”, ông Ngào cho biết thêm.
Là doanh nghiệp sản xuất giấy tại Cụm Công nghiệp Phong Khê, ông Nguyễn Văn Lại, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhất Hảo cũng phải thừa nhận, những năm qua môi trường ở Phong Khê bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, nghề làm giấy ở Phong Khê phát triển theo hình thức tự phát “mạnh ai người ấy làm” vì thế tình trạng ô nhiễm môi trường đã diễn tại đây ra trong một thời gian dài. Theo ông Lại, mặc dù, doanh nghiệp cũng đã có ý tưởng đầu tư hệ thống xử lý môi trường nhưng với một số cá nhân đơn lẻ sẽ không thể làm được. Việc làm này đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bài 2: Cho 'màu xanh' trở lại