Ngày 6/12, HĐND TP Hồ Chí Minh tiếp tục với phiên chất vấn. Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và giám đốc các sở/ngành sẽ trả lời chất vấn về kết quả thực hiện các lời hứa, giải pháp trong các nghị quyết chất vấn.
Đại biểu Trần Quang Thắng cho biết, vừa qua có nhận đơn khiếu nại của một hộ dân về việc quy đổi nền đất kéo dài hàng chục năm không xong. Hộ dân này có một nền nhà trước đây ở xã Bình Chánh, huyện Nhà Bè bị giải tỏa và đã đạt thỏa thuận quy đổi nền khác. Người dân đợi mãi đợi mãi, tới nay đã 20 năm rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại biểu Trần Thanh Trí cho rằng, thành phố có nhiều dự án quy hoạch treo, có những dự án kéo dài hơn 20 năm như bán đảo Thanh Đa đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vậy thành phố đã rà soát các dự án treo từ 10 trở lên chưa?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố cho biết, công tác rà soát quy hoạch đất đai trên địa bàn được thực hiện thường xuyên và đơn vị cũng phối hợp làm với các quận huyện để xử lý nhanh các dự án quy hoạch chậm, để không ảnh hưởng đến người dân. Cụ thể, Sở cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan, thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5.000 và 1/10.000) để trình UBND phê duyệt trước ngày 31/12. Đồng thời tổ chức thẩm định gần 200 hồ sơ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại các quận, huyện...
"Dự kiến, năm 2019, thành phố sẽ tổng rà soát tất cả các dự án quy hoạch trên địa bàn và thực hiện điều chỉnh các dự án có quy hoạch không phù hợp. Những đồ án quy hoạch không còn phù hợp hoặc không khả thi sẽ được điều chỉnh (xóa quy hoạch "treo"). Các đồ án này sẽ được công bố công khai, thông tin rộng rãi đến cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch đó”, ông Thanh Nhã cho biết thêm.
Chia sẻ thêm thông tin về các dự án bị quy hoạch treo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do trong quá trình tổ chức thực hiện chậm. HĐND thành phố cũng đã tổ chức giám sát và UBND thành phố rà soát lại trên 2.800 dự án; trong đó có 600 dự án hoàn thành, còn hơn 1.500 dự án đang triển khai thực hiện. Hiện nay, vướng mắc nhất trong triển khai các dự án là công tác bồi thường, giá bồi thường. UBND thành phố đã phân loại 3 nhóm giải pháp để tập trung giải quyết thu hồi đất. Một là rà soát các dự án có thu hồi đất phải bồi thường trước ngày 1/7/2014, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 3.928 trường hợp phải tập trung để giải quyết. Hai là các nhóm dự án từ ngày 1/7/2014 - 15/5/2015, thành phố đã có quyết định bồi thường, hiện còn khoảng 50 dự án tiếp tục thực hiện. Ba là nhóm dự án có thu hồi đất để thực hiện theo quy định và chính sách mới với 214 dự án, hiện có hơn 5.500 hộ dân bị ảnh hưởng, thành phố mong người dân ủng hộ để tổ chức thu hồi và chức bồi thường cho các dự án này.
Liên quan đến bức xúc của cử tri về việc các cơ quan vẫn chậm cấp giấy chứng nhận (GCN) chủ quyền sở hữu nhà đất cho người dân, ông Nguyễn Toàn Thắng, chia sẻ thêm, từ năm 2016 đến tháng 6/2018, TP Hồ Chí Minh đã cấp được 1,5 triệu GCN, đạt tỉ lệ 95,8% trên tổng số nhà, đất của toàn TP Hồ Chí Minh. Hiện nay còn hơn 17.300 trường hợp chưa cấp GCN.
“Trong số các đơn thư khiếu nại, phản ánh thì có 100 đơn “tố” cán bộ cấp GCN nhũng nhiễu hoặc năng lực hạn chế. Trong giai đoạn 2016-2018, Sở đã xử lý 18 cán bộ, bao gồm thay giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của các quận 1, Bình Thạnh, Tân Phú và huyện Bình Chánh; thay bảy phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở các quận 6, Tân Phú và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh; xử lý bốn chuyên viên, trong đó chuyển xử lý hình sự đối với một trường hợp. Đây là những hành động giải quyết triệt và thẳng tay để giảm số lượng cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp”, ông Thắng cho biết thêm.
Lý giải nguyên nhân thành phố vẫn chậm giải quyết cấp GCN nhà đất cho người dân, ông Thắng cho rằng, ngoài nguyên nhân năng lực hạn chế hoặc nhũng nhiễu từ cán bộ, việc cấp GCN chậm còn do liên quan đến nền bản đồ qua ba thời kỳ đầu những năm 1980, 1990 và bản đồ số lập gần đây. Mỗi thời điểm cấp GCN dựa trên một nền bản đồ và mức độ chính xác không bằng bản đồ số nên xảy ra việc chồng ranh, lấn ranh, có sai sót trong cấp giấy khoảng 100-150 trường hợp. Với 17.300 trường hợp chưa được cấp GCN, Sở đang phối hợp với các quận, huyện phân loại ra để có hướng giải quyết nhanh nhất cho người dân.