Hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nông nghiệp Hà Nội đang hướng đến sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, nâng cao đời sống của nông dân vùng ngoại thành.


Hình thành mô hình hiệu quả

HTX hoa và cây cảnh Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) là một điển hình trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. HTX đã xây dựng mô hình sản xuất hoa ly chất lượng cao từ sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu rau quả. Với diện tích 7 ha, trong đó 1.000 m2 nhà kính hiện đại sản xuất giống lan hồ điệp cùng các hệ thống thông gió, phun tưới nước tự động hóa, nhiệt độ được điều khiển, khiến cho hoa nở đúng theo ý muốn; 3.000 m2 nhà lưới chuyên dụng trồng hoa ly và đồng tiền; diện tích còn lại để trồng các loại hoa loa kèn, cúc, hồng... trung bình mỗi vụ, HTX thu gần hai tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng một tỷ đồng/lứa. Số tiền này, mỗi xã viên được chia lãi tương đương 40% vốn đóng góp, một phần lãi trích lại để HTX hoạt động, trong đó tiếp tục mở rộng diện tích nhà kính để trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao...

Lựa chọn giống hoa ly chất lượng cao tại huyện Đan Phượng.
Ảnh: Xuân Minh

Cũng tại huyện Chương Mỹ, mô hình chăn nuôi theo chuỗi của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kinh tế trang trại Tiên Viên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại gồm 8 trại chăn nuôi khép kín, thiết bị chăn nuôi hiện đại; quy mô chăn nuôi hàng năm là 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ, cung cấp trên 20.000 quả trứng/ngày. Từ năm 2011, khi Hà Nội thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trang trại Tiên Viên đã tham gia và được thành phố hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ trứng gà sạch Tiên Viên. Quy trình chăn nuôi luôn được kiểm soát chặt chẽ, trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi được đầu tư hiện đại. Nhờ vậy, thương hiệu “trứng gà Tiên Viên” được người tiêu dùng tín nhiệm.

Huyện Chương Mỹ đã quy hoạch và xây dựng được 15 khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, 110 trang trại áp dụng công nghệ làm mát không khí, kinh phí đầu tư chuyển đổi công nghệ chăn nuôi của các chủ trang trại là trên 50 tỷ đồng.

Không chỉ tại huyện Chương Mỹ, mà tại các huyện ngoại thành cũng đã xuất hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp như mô hình trồng hoa lan, hoa ly trong nhà màng, nhà lưới ở Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), Tây Tựu (Bắc Từ Liêm)… cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp (giá thực tế) năm 2014 đạt 231 triệu đồng/ha (đã đạt mục tiêu chương trình đề ra vào cuối năm 2015).

Mở rộng quy mô

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao đang là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của thành phố hiện còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa có các doanh nghiệp, trang trại ứng dụng đồng bộ, chưa hình thành các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản công nghệ cao, diện tích cây trồng, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn thấp.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố sẽ triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 quy mô chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Chương trình có tổng vốn đầu tư gần 11.300 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố là hơn 970 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác. Chương trình hướng tới mục tiêu hình thành vùng sản xuất 1.000 ha trồng rau, 500 ha trồng hoa, 1.370 ha trồng cây ăn quả, 1.000 ha trồng chè ứng dụng công nghệ cao. Có ba vùng chăn nuôi gia cầm, hai vùng chăn nuôi lợn, ba vùng chăn nuôi bò thịt, bốn vùng chăn nuôi bò sữa, 200 trang trại chăn nuôi gà, 200 trang trại chăn nuôi lợn, 10 trang trại chăn nuôi bò thịt, 10 trang trại chăn nuôi bò sữa, 600 ha thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

“Việc hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tăng năng suất, kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm... Thành phố sẽ có các chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông, kênh, mương trục chính cấp, tiêu nước, xử lý môi trường, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật; đầu tư giống cây trồng, thủy sản, phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn”, ông Chu Phú Mỹ cho biết.

Để chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả cần có sự liên kết giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương, trong đó xây dựng thương hiệu nông sản để nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó giám đốc siêu thị Big C cho biết: “Hà Nội là một thị trường có nhu cầu lớn về đặc sản cùng lương thực, thực phẩm sạch. Do đó, chúng tôi rất ủng hộ việc hình thành những vùng sản xuất quy mô hàng hóa, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Đức Mạnh - Xuân Minh
“Mở đường” giúp nông nghiệp hội nhập
“Mở đường” giúp nông nghiệp hội nhập

Để ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập thành công với thế giới, cần phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, trong đó không thể thiếu vai trò góp sức của các doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN