Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH), 7 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới: Trẻ em lang thang, trẻ khuyết tật, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ mồ côi, trẻ có HIV/AIDS. Thực tế đó đặt ra nhu cầu cần chuyên nghiệp hóa việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm hơn trong thời gian tới.
Hoạt động tư vấn và trị liệu cho nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông là cách trợ giúp có hiệu quả, đến nay đã trực tiếp trị liệu cho trên 3.000 trường hợp. Kênh trợ giúp này hiện nay mới chỉ có ở Hà Nội nhưng sắp tới sẽ được mở rộng tại một số địa phương miền Trung và miền Nam. |
Thống kê của Bộ LĐ - TB&XH cho thấy, năm 2011 có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục. Chỉ tính trung bình 5 năm gần đây, mỗi năm có khoảng gần 1.000 ca trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì còn nhiều trường hợp chưa bị phát hiện, tố giác.
Thực trạng tình trạng ngược đãi, xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng hiện nay là hết sức đáng lo ngại. Trường hợp em Nguyễn Thị K.T, sinh năm 1996 (Phúc Thọ, Hà Nội) là một ví dụ. T. bị xâm hại nhiều lần, thậm chí còn 3 lần phải đi phá thai. Sức khỏe bị yếu, tâm lý lại bị khủng hoảng khiến T. đã bỏ thi cấp 3.
Ông Nguyễn Trọng An cho biết, bên cạnh nhóm trẻ bị xâm hại tình dục, còn 6 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác vẫn tiếp tục gia tăng: trẻ em lang thang, trẻ khuyết tật, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ mồ côi, trẻ có HIV/AIDS.
Nhu cầu được can thiệp và hỗ trợ của trẻ em là rất lớn. Từ khi thành lập đến nay (năm 2004), tính riêng đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí - 18001567 do Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ - TB&XH) điều hành đã tiếp nhận trên 900.000 cuộc gọi đến tổng đài. Trong đó, trên 70% số lượng cuộc gọi là từ trẻ em. Đã có 3.323 trường hợp trẻ em được can thiệp và trợ giúp từ đường dây này.
Với trường hợp em Nguyễn Thị K.T. nói trên, sau khi gia đình phát hiện và liên lạc với đường dây tư vấn, T. đã được can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Là nhân viên trực tiếp đón nhận trường hợp này, chị Đỗ Thị Trang kể lại: “Ban đầu, khi mới tiếp xúc, T. rất thu mình và né tránh vấn đề, không phối hợp với chúng tôi. T. bị rối loạn giấc ngủ và cảm thấy bất an. Qua tìm hiểu hoàn cảnh, chúng tôi nắm bắt được sau khi T. bị xâm hại, mọi người xung quanh bàn tán, gia đình liên tục nói về chuyện này, em thấy mệt mỏi và khủng hoảng tâm lý”. Việc trợ giúp không chỉ dừng lại ở sự lắng nghe. Xét thấy đây là một trường hợp nặng, cần được trị liệu, trung tâm đã quyết định cử chuyên gia về tâm lý trẻ em là TS Nguyễn Thị Kim Quý để hỗ trợ em Nguyễn Thị K.T. “Bằng những kiến thức nghiệp vụ, chúng tôi đã trò chuyện để đánh giá mức độ rối nhiễu và khủng hoảng của em T., đồng thời, chúng tôi tiếp xúc với bố đẻ của em, tìm hiểu thêm về thói quen, sở thích và các vấn đề phát triển tâm sinh lý của T. Sau quá trình nắm bắt tâm lý, các bài tập thư giãn (vẽ tranh, kể chuyện và hoạt động ngoài trời) đã giúp T. dần mở lòng với những nhân viên tư vấn. Chỉ sau gần một tháng, T. đã dần hồi phục tâm lý để trở lại với những sinh hoạt và học tập hàng ngày”, chị Đỗ Thị Trang cho biết.
Cách can thiệp có chuyên môn dựa trên phương pháp lắng nghe và hỗ trợ trẻ cùng gia đình trẻ đã góp phần quan trọng giúp hạn chế những tổn thương cho trẻ. “Nhóm trẻ mà đường dây nóng hướng đến là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như: lang thang kiếm sống, bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, trẻ bơ vơ không nơi nương tựa...”, ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông cho biết.
Đánh giá tác động của hệ thống này, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho biết: “Kênh tư vấn và hỗ trợ trẻ em này ra đời đã góp phần hạn chế những tổn thương cho trẻ. Quan trọng hơn, đường dây đã tạo ra mạng lưới phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành và kết nối giữa các tổ chức này để hỗ trợ hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em”. Tuy nhiên, con số trên 3.000 trường hợp trẻ được can thiệp vẫn còn ít so với thực tế số trẻ cần được hỗ trợ. Chính vì thế, thời gian tới, mô hình này sẽ được triển khai thêm ở một số thành phố lớn.
Theo chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam đang trong giai đoạn từng bước xây dựng một hệ thống tổ chức mạng lưới bảo vệ trẻ em từ trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống toàn diện để phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em. Hiện nay Việt Nam chưa có đội ngũ cán bộ xã hội được đào tạo bài bản ở cơ sở để ứng phó kịp thời với những trường hợp xâm hại trẻ em. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm việc với trẻ em, gia đình và cộng đồng ở tất cả các cấp vẫn thiếu về số lượng và yếu về năng lực. Việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho những nhóm trẻ dễ bị tổn thương vẫn phụ thuộc chủ yếu vào những nỗ lực tình nguyện và những tổ chức phi lợi nhuận, hơn là dựa vào đội ngũ được đào tạo và trả lương.
Theo khuyến nghị của UNICEF, Việt Nam cần sớm chuyên nghiệp hóa hệ thống các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Đường dây nóng chính là địa chỉ tin cậy cho trẻ dễ dàng nhận được sự tư vấn phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những yếu tố bước đầu. Để hỗ trợ trẻ em cần tăng cường kiến thức về quyền trẻ em, để có thể giảm thiểu những nguy cơ có thể làm các em bị tổn thương và giúp các em ứng phó tốt hơn với khó khăn. Nếu các em nhận thức được những quyền của mình, được khuyến khích hình thành quan điểm và bày tỏ quan điểm, được cung cấp thông tin cần thiết... thì trẻ em cũng sẽ bảo vệ bản thân tốt hơn.
Mạnh Minh