Việc phát hiện, can thiệp và hỗ trợ các trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại vẫn còn chậm, một phần do thiếu hệ thống cán bộ chuyên trách công tác trẻ em. Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ - TB&XH) Hoàng Văn Tiến (ảnh) cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường đội ngũ chuyên môn này để cải thiện dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ trẻ em hiệu quả.
´Hiện nay, theo phản ánh, tình hình trẻ em bị ngược đãi và xâm hại tình dục xảy ra chủ yếu ở vùng nông thôn, các huyện miền núi, vùng cao, vùng xa. Việc can thiệp vẫn còn chậm và không hiệu quả. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?
Đúng là có thực tế nhiều trường hợp bị phát hiện chậm và xử lý chưa kịp thời. Có một khó khăn đó là: Quan niệm về xâm hại, bạo lực nhất là bạo lực đối với trẻ theo quan niệm của người châu Á rất khác với quan niệm của phương Tây. Từ quan niệm đó, chỉ trừ những trường hợp để lại những thương tích mà người ngoài có thể nhìn thấy thì khi đó mới phát hiện được.
Lý do thứ hai là hiện nay, thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ trẻ em. Trước năm 2007 cả nước có trên 160.000 cộng tác viên về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trung bình 150 hộ gia đình có 1 cộng tác viên quản lý nắm tình hình thì bây giờ lực lượng chuyên về công tác này không còn. Quy trình xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em vì thế bị chậm và hỗ trợ không kịp thời vì thế đã cản trở việc trẻ em tiếp cận các chính sách của Nhà nước. Đây là điều rất đáng tiếc. Chẳng hạn, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em còn chậm và chưa đủ. Tính toàn quốc, đến năm 2012, mới cấp thẻ cho khoảng 80% trẻ em. Số còn lại chưa được cấp chủ yếu rơi vào những vùng khó khăn, miền núi.
Nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có quản lý thường xuyên thì chắc chắn sẽ không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.
´
Vậy ngành lao động sẽ làm gì để nâng cao chất lượng cho công tác trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời gian tới, thưa ông?
Chúng tôi sẽ có rất nhiều hoạt động. Trước mắt, chúng tôi đang cố gắng khôi phục 40.000 cán bộ phụ trách về công tác trẻ em để nắm bắt thông tin trẻ em tại cộng đồng được tốt hơn. Nhưng kể cả khi đã tăng cường rồi, chủ yếu vẫn là những vùng địa bàn thuận lợi, còn những vùng khó khăn thì gần như không có.
Còn về lâu dài, vẫn ưu tiên truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm ngay từ gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ em các kiến thức về quyền trẻ em, về kỹ năng để tự bảo vệ; cùng với các địa phương thúc đẩy triển khai các nội dung Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em 2011 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2011. Các cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện việc rà soát về luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt là việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em năm 2004; các chính sách tập trung cho chăm sóc trẻ em cụ thể như: Hạn chế tình trạng lao động trẻ em, sữa học đường... và phối hợp với các tổ chức quốc tế để tiếp tục thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em ở cộng đồng để nhân rộng trong toàn quốc, thúc đẩy thực hiện việc xây dựng xã, phường an toàn, lành mạnh, phù hợp với trẻ em; chuẩn bị triển khai chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong thời kỳ mới...
Cái khó là hiện nay, kinh phí cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Chương trình quốc gia về bảo vệ chăm sóc trẻ em đã được phê duyệt, trong năm 2012, hiện nay chỉ mới cấp được 50 tỷ đồng. Mặc dù các địa phương vẫn thực hiện đối ứng nhưng nguồn lực cho công tác này hiện nay còn thấp. Vì vậy, vẫn phải huy động cộng đồng và các tổ chức quốc tế để tăng nguồn lực. Điều quan trọng nhất là chính mỗi gia đình phải đầu tư và quan tâm hơn đến con em mình. Nếu chỉ trông chờ vào cộng đồng và nguồn lực quốc gia thì rất khó có thể đạt được mục tiêu.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Minh