Hỗ trợ nhà ở cho người có công - Bài 1: Niềm vui trong những căn nhà tình nghĩa

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Nghị quyết số 63/NQ-CP về hỗ trợ về nhà ở cho Người có công với cách mạng, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực, chủ động với nhiều cách làm sáng tạo nhằm giúp các gia đình từng bước cải thiện điều kiện về nhà ở.

Sau 6 năm thực hiện chính sách này, toàn tỉnh có 3.192 căn nhà được xây mới, 2.920 căn nhà được sửa chữa. Những căn nhà mới khang trang đã tạo sự phấn khởi và trở thành nguồn động viên cho Người có công với cách mạng trong tỉnh khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Ấm lòng gia đình người có công

Chú thích ảnh
Đại diện UBND xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long bàn giao căn nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Thắm. 

Huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long là địa phương có số lượng gia đình người có công khó khăn được hỗ trợ về nhà ở nhiều nhất tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.587 căn nhà với tổng kinh phí gần 53 tỉ đồng, giúp các gia đình có nơi ở an toàn, thoải mái.

Gia đình bà Trần Thị Lắm (xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm) là một trong những hộ được bàn giao nhà ngay dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2019). Niềm vui còn được nhân lên khi bà được tặng món quà là sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Bà Lắm cho biết, bà là con liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình cũng gặp nhiều khó khăn nên thời gian qua chưa có điều kiện xây căn nhà mới. Có được căn nhà khang trang, gia đình chúng tôi rất mừng vì có chỗ ở kiên cố, an toàn, không phải phập phồng lo sợ mỗi khi trời mưa bão. 

Huyện Tam Bình đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.484 căn nhà cho người có công với tổng kinh phí hơn 44 tỉ đồng. Việc hỗ trợ kịp thời về nhà ở đối với người có công và thân nhân đã tạo sự phấn khởi, giúp họ yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Đón khách trong căn nhà mới, bà Nguyễn Ngọc Thắm (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) xúc động khi kể về những đóng góp của gia đình và niềm vui khi được Đảng và Nhà nước quan tâm. Bà Thắm cho biết, cha của bà hy sinh khi ba chị em còn rất nhỏ. Bà nội của bà Thắm vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trước đây, khi mẹ bà Thắm còn sống, chính quyền địa phương đã quan tâm xây tặng căn nhà tình nghĩa. Hiện tại, căn nhà được giao lại cho người chị lớn ở và thờ phụng. Riêng bà Thắm, do hoàn cảnh khó khăn nên trong năm 2019, gia đình đã được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà.

Bà Thắm chia sẻ: "Cha mất sớm là thiệt thòi khó bù đắp với chị em tôi, nhưng những năm qua sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương mỗi khi gia đình khó khăn cũng làm chúng tôi ấm lòng. Giờ có ngôi nhà kiên cố rồi, gia đình cố gắng làm ăn hơn nữa để dành dụm tu sửa thêm, không phải trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước".

Còn đối với ông Nguyễn Văn Thảo (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình), Tết Nguyên đán 2020 sắp tới sẽ là cái Tết ấm áp của gia đình khi vừa được địa phương vận động kinh phí giúp xây căn nhà mới. Trước đây gia đình từng được hỗ trợ 1 căn nhà tình nghĩa nhưng theo thời gian, nhà xuống cấp, mưa đến là ướt và ngập hết. Mấy năm qua, gần 10 người trong gia đình phải chen chúc nhau sống tạm vì không đủ tiền xây mới. Được UBND xã hỗ trợ cho căn nhà, vợ chồng ông đã đóng góp thêm một ít tiền và ngày công để sớm hoàn thành, hy vọng con cháu được đón Tết trong căn nhà mới khang trang.

Nỗ lực thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, đến hết ngày 31/12/2016, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 4.934 căn nhà cho các gia đình chính sách. Đầu năm 2017, tỉnh rà soát có 3.005 hộ gặp khó khăn về nhà ở mới phát sinh nhưng số liệu này chưa được Bộ Xây dựng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận, thẩm định và báo cáo Chính phủ cấp bổ sung kinh phí cho tỉnh. Tháng 4/2017, tỉnh tiến hành khảo sát lại lần nữa, qua đó xác định còn 2.584 hộ gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn về nhà ở.

Đến tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với Người có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu rõ các trường hợp Người có công thuộc diện được hỗ trợ nhà ở phát sinh thêm ngoài số liệu đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến thời điểm ngày 31/5/2017, các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm và các nguồn kinh phí khác từ các cá nhân, tổ chức, đoàn thể để hỗ trợ các hộ gia đình Người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám, khó khăn lớn nhất của tỉnh trong giai đoạn 2 chính là kinh phí thực hiện, vì 2.584 căn nhà cần xây dựng, sửa chữa trên địa bàn tỉnh không được Trung ương hỗ trợ. Trước tình hình đó, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cho tạm ứng kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho đối tượng khó khăn về nhà ở đã được tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, trong giai đoạn 2 này cũng ghi nhận vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện công tác xã hội hóa xây dựng nhà. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 1.176 hộ với tổng số tiền gần 49 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, huyện Tam Bình Tô Văn Tần cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với Người có công với cách mạng giai đoạn 2, đến nay xã đã nỗ lực hoàn thành xây mới, sửa chữa 17 căn nhà cho gia đình có công với cách mạng, trong đó có 7 căn từ nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, trong công tác vận động, địa phương đã khơi gợi được tinh thần tự lực của các gia đình, đồng thời phân công các ban ngành, đoàn thể vận động người thân, láng giềng của các gia đình hỗ trợ thêm ngày công lao động giúp tiết kiệm chi phí nhân công, từ đó có kinh phí để đầu tư cho ngôi nhà được khang trang hơn.

Tại huyện Vũng Liêm, khi thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP, toàn huyện có 782 hộ khó khăn về nhà ở. Do không được Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện nên trong giai đoạn này, huyện chỉ đạo các địa phương phân công đoàn thể tích cực hỗ trợ, vận động kinh phí, nhân công hỗ trợ để hộ dân xây dựng đúng tiến độ. Bên cạnh đó, việc tổ chức bàn giao nhà, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp được thực hiện tốt góp phần đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa nguồn đóng góp. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng mới và sửa chữa 332 căn nhà cho người có công, trong đó có 223 căn từ nguồn kinh phí vận động Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long và các nguồn xã hội hóa khác.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũng Liêm Lê Văn Đôi chia sẻ, trong quá trình thực hiện việc lập danh sách đối tượng được hỗ trợ, huyện ưu tiên thứ tự giải quyết cho các trường hợp người có công có nhà ở bị hư hỏng nặng, lớn tuổi, sức khỏe kém nhằm giúp các gia đình sớm được hưởng chính sách của Nhà nước.

Bài cuối: Gỡ khó trong thực hiện chính sách hỗ trợ

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng

Ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN