Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, đây là Đề án có nhiều khó khăn trong việc thực hiện ở các địa phương vì thời gian đầu phải thông qua nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đã đạt thậm chí vượt yêu cầu.
Bà Trần Thị Hương cho rằng, nhu cầu của trẻ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn và khả năng đáp ứng chưa thực sự được cải thiện. Việc tạo ra môi trường tốt giúp chăm sóc trẻ tốt hơn là hết sức cần thiết, đặt ra cho các cơ quan chức năng nhiều bài toán cần có lời giải thiết thực. Hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra những tổng kết, đánh giá, từ đó nhận định những tiêu chí nào chưa đạt để phấn đấu giải quyết theo hướng bền vững trong tương lai.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho thấy, sau 5 năm thực hiện Đề án, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được tăng cường, việc thực hiện các chính sách trợ giúp cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng đã được đẩy mạnh. Sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, sự triển khai tích cực của các địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt được một số kết quả nhất định.
Năm 2016, Cục Trẻ em (Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành rà soát chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn tại 3 tỉnh đều vượt chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên có sự chênh lệch giữa cơ sở công lập và ngoài công lập. Giáo viên mầm non ở cơ sở ngoài công lập thường không ổn định và thiếu hụt so với nhu cầu tuyển dụng. Mạng lưới trường, lớp phát triển nhanh và rộng trên khắp địa bàn. Trong giai đoạn 2011-2015 số lượng cơ sở giáo dục mầm non ở cả 3 địa phương khảo sát đều tăng từ 2 đến 3 lần. Tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia từ 40 - 60%, riêng các trường tư thục đạt tỷ lệ thấp hơn đáng kể do quy mô nhỏ, thiếu giáo viên so với định mức và tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn thấp.
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên mầm non vẫn thiếu trầm trọng so với quy định trong Điều lệ trường mầm non. Chất lượng các nhóm, lớp độc lập tư thục phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu gửi con dưới 18 tháng tuổi và thời gian gửi linh hoạt phù hợp với thời gian làm việc ca kíp của cha mẹ.
Đề xuất một số giải pháp về chính sách hỗ trợ giải quyết trường lớp mầm non cho con công nhân lao động trong thời gian tới, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trịnh Thanh Hằng cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 về chính sách đối với lao động nữ và bình đẳng giới, trong đó làm rõ căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Người sử dụng lao động giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động; ban hành chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần tính đến chi phí liên quan xây dựng, giúp đỡ hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo.
Ngành giáo dục cần nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm nâng cao năng lực của nhà trường trong việc tăng tỷ lệ huy động trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 24 tháng tuổi ở khu công nghiệp, khu chế xuất và đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà trẻ mẫu giáo từ thiết chế của công đoàn, cụ thể như: hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi…
Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, các địa phương trên cả nước cần tăng cường thông tin và truyền thông về quyền trẻ em, nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản luật pháp chính sách về bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em, trong đó có hỗ trợ và phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp và khu chế xuất đến năm 2025.
Các cơ quan tiếp tục nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách và hoàn thiện chính sách chăm về chăm sóc sức khỏe trẻ em; chính sách chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em, kiểm tra giám sát chăm sóc trẻ thơ tại cộng đồng và tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ; kịp thời xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại bạo lực đối với trẻ em...