Lực lượng chức năng và người dân xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, tổng thiệt hại do mưa lũ (xảy ra đêm 13 và sáng 14/8) gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ước tính 15 tỷ đồng; khoảng 500 ha lúa, hoa màu có nguy cơ giảm năng suất và mất trắng; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng.
Huyện Mai Châu là địa phương chịu nhiều thiệt hại về tài sản do lũ quét, ngập úng và nhiều tuyến đường bị chia cắt, sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, trên tuyến quốc lộ 6 đoạn km 133+300 xã Đồng Bảng bị sạt lở taluy dương với khối lượng gần 5.000 m3 đất đá, khiến giao thông bị tắc trong nhiều giờ. Công tác khắc phục hậu quả được thực hiện khẩn trương, xử lý bằng cách huy động máy móc múc, gạt đất đá. Đến 13h30 ngày 14/8, quốc lộ 6 đã được thông tuyến.
Tại huyện Lương Sơn có 2 người bị lũ cuốn mất tích ở khu vực ngầm Hùng Sơn, thị trấn Lương Sơn (hiện chưa tìm thấy); tuyến đường Tu Lý - Hiền Lương, đường liên xóm xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc bị sạt lở; xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc bị ngập 100 ha hoa màu. T ại thành phố Hòa Bình có 4 nhà dân ở xóm Đao bị cô lập; ở xã Hòa Bình, sạt lở tuyến đường 433 đang thi công khoảng 1.000m3 đất đá, 6 hộ dân trong khu vực sạt lở đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra, chỉ đạo công tác khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích do lũ cuốn tại huyện Lương Sơn; di chuyển các hộ gặp thiên tai đến nơi tránh trú an toàn, tổ chức thăm hỏi, động viên và trao tiền trợ giúp để mua lương thực cho các hộ dân ở xóm So Lo, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu (500 nghìn đồng/hộ); giúp các hộ dân dọn dẹp, xử lý môi trường sau lũ ống để mau chóng ổn định cuộc sống.
Tại các vị trí sạt lở taluy dương, Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình cùng các đơn vị đang tiếp tục huy động lực lượng tổ chức trực 24/24h tại khu vực cầu tràn, ngầm ngập sâu và có biện pháp rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện lưu thông qua lại.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh thường trực 24/24h, giữ liên lạc thông suốt để nắm bắt tình hình mưa lũ, kịp thời chỉ đạo triển khai phương án phòng tránh đến nhân dân. Dự báo mưa dông sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong vài ngày tới.
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại Thanh Hóa
Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa Đặng Tiến Dũng cho biết: Mưa lớn trên diện rộng từ ngày 11/8 đến sáng 15/8, kết hợp với lưu lượng lớn nước trên thượng nguồn sông Mã đổ về gây ngập lụt ở một số khu vực dân cư ven sông tại các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy... Mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, sạt lở trên các tuyến quốc lộ.
Thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã làm sập và cuốn trôi 11 căn nhà ; 34 căn nhà bị hư hỏng nặng; 57 ha lúa và hoa màu của người dân bị ngập; 63 ao cá bị tràn... khiến em Giàng A Cám (sinh năm 2011, ở bản Trung Thắng, xã Mường Lý, huyện Mường Lát) bị vùi lấp do sạt lở đất.
Mưa lớn cũng khiến mực nước thượng nguồn các sông lên nhanh, đặc biệt trên sông Mã, mực nước tại trạm thủy văn Hồi Xuân là 60,05m trên báo động 1 là 0,16m; mực nước tại trạm thủy văn Cẩm Thủy là 16,19m, thấp hơn báo động 1 là 1,3m. Nước sông Mã dâng cao do lũ thượng nguồn đổ về đã khiến toàn bộ số cá đặc sản nuôi trong 65 lồng của 15 hộ dân làng Kìm, xã Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy) bị chết.
Mưa lũ cũng làm các tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 16, quốc lộ 217 bị sạt lở taluy, trong đó quốc lộ 15C có 6 điểm sạt lở, quốc lộ 16 có 3 điểm sạt lở; 1 cầu tạm bị cuốn trôi. Các tuyến quốc lộ 15C đoạn La Hán đi Quan Hóa và quốc lộ 217 từ trung tâm thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) xuống huyện Cẩm Thủy bị chia cắt trong nhiều giờ. Đến 12 giờ ngày 15/8, lượng nước trên sông Mã đã rút nhưng chậm. Các huyết mạch giao thông chính đã trở lại bình thường.
Để kịp thời ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo kịp thời đến chính quyền các địa phương trong tỉnh và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả; khẩn trương rà soát, chủ động di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Các địa phương bị ảnh hưởng đang khẩn trương thực hiện giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ. Các ngành chức năng các huyện, xã vùng bị ngập úng trực 24/24 giờ, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.