Hoang mang vì thực phẩm 'ngập' hóa chất - Bài 1

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại bị phanh phui như gạo bẩn, bún bẩn, trà chanh bẩn, giá đỗ bẩn... đã khiến người tiêu dùng thực sự hoang mang, không biết nên ăn uống gì để đảm bảo sức khỏe. Các bà nội trợ đành phải mua hàng theo kiểu “khuất mắt trông coi”, bởi “ăn thì chết chậm, không ăn thì chết ngay”.

 

Bài 1: Tràn lan hóa chất không rõ nguồn gốc

 

Chợ Kim Biên (quận 5) được mệnh danh là chợ bán hóa chất lâu năm và lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh và cả khu vực phía Nam. Tại đây, do thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng nên việc mua, bán các loại hóa chất, kể cả hóa chất độc hại vẫn diễn ra hằng ngày.
Loại gì cũng có


Các loại hóa chất trôi nổi, không rõ nguồn gốc được bán tràn lan tại chợ Kim Biên, TP Hồ Chí Minh.


Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Kim Biên, ngành hàng hóa chất được bố trí chạy dọc hai bên chợ. Tại đây, cửa hàng nào cũng bán đủ loại từ hương liệu chế biến thực phẩm như hàn the, chất tạo bọt, tạo dẻo đến hóa chất công nghiệp như: chất tạo mùi trong chế biến xà bông, phẩm màu, chất tẩy rửa, chống mốc, chất làm mềm vải và kể cả axít. Chỉ với diện tích từ 1,5 - 2 m2/cửa hàng, người bán bày đủ các loại can nhựa chứa hóa chất nằm san sát nhau. Tên hóa chất chứa trong can được người bán viết ngoằn ngoèo bằng các loại mực xanh, đen, đỏ... Đặc biệt, đa số các loại hóa chất ở đây đều không nhãn mác, không nguồn gốc, không hướng dẫn sử dụng, không có thông tin nào về cấu tạo thành phần hay hạn sử dụng.


Trong vai người tìm hương liệu để pha chế trà chanh, chúng tôi được tiểu thương nhanh nhảu “tiếp thị” rất nhiều loại hương liệu: từ dạng lỏng đến dạng bột. Dạng lỏng thì thường có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/lít được quảng cáo là có thể pha được cả trăm cốc trà. Còn dạng bột thì giá đắt hơn, khoảng 100.000 đồng/kg và có thể pha vài trăm cốc. Tiểu thương này bật mí: nếu mua về pha trà chanh thì nên mua dạng bột vì bán sẽ lời hơn.


Theo quan sát, các loại hóa phẩm này đều không có nhãn mác. Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 04 về phân loại và ghi nhãn hóa chất được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam, bất kỳ một sản phẩm hóa chất nào lưu hành trên thị trường, dù được sản xuất ở trong nước hay nhập khẩu, cũng phải có nhãn hiệu, cách sử dụng, nguồn gốc của nhà sản xuất. Mặt khác, các loại hóa chất công nghiệp không được bày bán chung với các loại hóa chất thực phẩm. Thế nhưng tại chợ Kim Biên, hóa chất công nghiệp và hóa chất dùng trong ngành thực phẩm được người kinh doanh để lẫn lộn với nhau.


Một người kinh doanh hóa chất tại chợ này tiết lộ: “Muốn mua hóa chất gì ở đây cũng có. Từ các loại hóa chất dùng trong công nghiệp như chất thông cống, xử lý hầm cầu, lọc sạch không khí, chất tẩy, axít... tới các phụ gia thực phẩm như cà phê, ca cao, chanh, dâu, nho, táo, sầu riêng, nguyên liệu làm trà sữa... Khi khách hàng có nhu cầu chúng tôi đều có nguồn hàng cung cấp”.


Đại diện của ban quản lý chợ Kim Biên thừa nhận: “Mặc dù chúng tôi cũng quy định tiểu thương chỉ được bán hóa chất chuyên dùng cho thực phẩm, nhưng không thể kiểm soát hết tình trạng nhiều tiểu thương lén lút kinh doanh hóa chất ngoài quy định. Hơn nữa, dù phải đảm trách việc quản lý chất lượng hóa chất bán tại địa bàn chợ, nhưng ban quản lý chợ vẫn chưa có kỹ sư chuyên ngành hóa, còn người kinh doanh hóa chất thì hầu hết cũng không có trình độ chuyên môn. Vì vậy, rất khó có thể quản lý việc kinh doanh ngành hàng này”.


Tùy tiện sử dụng hóa chất công nghiệp


Theo một lãnh đạo Bộ Y tế, các chất phụ gia không có tác dụng về dinh dưỡng mà chỉ có tác dụng tạo màu và kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, do có sự chênh lệch lớn về giá giữa các loại hóa chất được phép sử dụng trong công nghiệp và các loại hóa chất sử dụng trong thực phẩm nên vì lợi nhuận, người sản xuất thường sử dụng các loại hóa chất dùng trong công nghiệp để sử dụng vào chế biến thực phẩm.


Khảo sát tại chợ Kim Biên cho thấy, hóa chất dùng trong ngành công nghiệp được bán với giá khá rẻ và mua được một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, dù đã có quy định các loại hóa chất phải có hướng dẫn cách sử dụng, liều lượng sử dụng nhưng đa phần người bán và người mua đều không quan tâm tuân thủ quy định này. Người mua chỉ cần hỏi loại hóa chất nào thì người bán sẵn sàng sang chiết các loại hóa chất đó ra từ các can chứa lớn để bán, thậm chí “không màng” đến việc người mua hóa chất đó để làm gì.


Chính vì sự dễ dãi trong việc mua bán và sử dụng hóa chất mà hàng loạt vụ việc lạm dụng hóa chất công nghiệp để chế biến thực phẩm đã bị phát hiện. Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã phát hiện hoàng loạt các loại thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, như bún có chứa chất Tinopal; chả, mì có chứa hàn the; hạt hướng dương có chất Na2SO3; thịt gà chứa kháng sinh; giá đỗ được nuôi bằng hóa chất; trái cây thúc chín bằng hóa chất...


Bài và ảnh: H.Tuyết - Đ.Phương

 

Bài 2: Dễ “sập bẫy” thực phẩm bẩn

Nga cấm thực phẩm có hại từ Việt Nam và gần 20 quốc gia
Nga cấm thực phẩm có hại từ Việt Nam và gần 20 quốc gia

Cơ quan vệ sinh dịch tễ Nga mới đây đã phát hiện những vi khuẩn nguy hiểm chứa trong thịt, cá và các sản phẩm sữa, cung cấp đến Nga từ hơn 20 quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN