“Tinopal là hóa chất hỗn hợp, thường được dùng trong công nghiệp, tẩy sạch các bề mặt trong sinh hoạt gia dụng. Tuy nhiên, kết quả giám sát, kiểm nghiệm gần đây cho thấy, nhiều nhà sản xuất đang sử dụng chất cấm Tinopal trong sản xuất bún hoặc một số sản phẩm chế biến từ gạo, để sản phẩm trắng và dai hơn”, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) khẳng định.
Phát hiện nhiều chất cấm
Đến thời điểm này, đã có kết quả của nhiều mẫu bún được lấy để xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, sau khi Cục ATTP, Bộ Y tế, chỉ đạo cơ quan chức năng tại 63 tỉnh, thành phố tăng cường kiểm nghiệm các chất không được phép sử dụng trong sản xuất bún và các sản phẩm chế biến từ gạo.
Hóa chất độc hại trong thực phẩm làm những người buôn bán chân chính lao đao. |
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết: Trong số 75 mẫu bún lấy tại TP. HCM gửi về xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm quốc gia về ATTP và Viện Vệ sinh - Y tế công cộng TP.HCM, thì có 10 mẫu chứa các chất cấm không được sử dụng trong thực phẩm là Tinopal hoặc axít Oxalic (chất tẩy trắng). Kết quả kiểm nghiệm mẫu bún tại Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Khánh Hòa… bước đầu chưa tìm thấy hóa chất cấm nêu trên. Cục ATTP đang tiếp tục cập nhật thông tin kiểm nghiệm từ các tỉnh, thành còn lại.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng chất Tinopal trong thực phẩm sẽ tác động đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thương hệ thống tiêu hóa, thậm chí gây viêm nhiễm, loét; khi tác dộng sâu vào máu thì gây tổn thương gan, thận. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu dùng kéo dài có thể dẫn đến đột biến gen, gây loạn sản tế bào. Tương tự, axít Oxalic cũng là một hóa chất cấm dùng trong thực phẩm, thường dùng trong công nghiệp, trong một số sản phẩm hóa chất dùng tại gia đình, như một số chất tẩy rửa, đánh gỉ sét...
Phải có sự vào cuộc của toàn xã hội
Trao với PV báo Tin Tức, đại diện Cục ATTP khẳng định: “Không hề có chuyện cơ quan chức năng “thả nổi” quản lý công tác ATTP. Tuy nhiên, công tác kiểm soát ATTP rất phức tạp. Thực tế, cũng như các văn bản quản lý, đã chỉ ra rằng, không có một tổ chức duy nhất nào có thể đảm bảo ATTP tuyệt đối, đây là hoạt động đòi hỏi sự nỗ lực của mọi thành viên trong xã hội”.
“Số lượng hóa chất cấm trong thực phẩm rất nhiều; với sự phát triển của khoa học thì số lượng hóa chất được tìm ra để ứng dụng trong đời sống, công nghiệp sẽ ngày một nhiều hơn nên rất khó kiểm soát nếu nhà sản xuất thực phẩm cố tình sử dụng hóa chất cấm. Vì vậy, cũng như nhiều quốc gia khác, Bộ Y tế chỉ ban hành “Quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”; những chất ngoài danh mục được coi là chất cấm”. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP |
Thời gian qua, cơ quan chức năng ATTP đã triển khai đúng theo Luật ATTP, các hoạt động giám sát được triển khai thường xuyên, rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, đều được đưa vào chương trình giám sát quốc gia. Tuy nhiên, có rất nhiều các loại hóa chất mà người sản xuất gian dối đưa vào thực phẩm, gây bất ngờ không chỉ cho cơ quan quản lý trong nước, mà cả với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
“Để kiểm soát, ngăn chặn hành vi gian dối của nhà sản xuất thực phẩm, đòi hỏi hoạt động kiểm soát dày đặc hơn. Vừa rồi, Cục ATTP đã triển khai hoạt động giám sát đột xuất, giao cho các viện kiểm nghiệm ATTP, các viện chức năng của các khu vực lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát tại các địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông giáo dục cho người sản xuất, tiêu dùng về các hành vi vi phạm ATTP cũng như các phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm để họ có thể sử dụng đúng tên, loại, hàm lượng, mục đích” ông Lâm Quốc Hùng, khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Phong, cho biết: “Khi kết quả kiểm nghiệm được trả cho đơn vị gửi mẫu thì các cơ quan chức năng quản lý địa phương (như TP. HCM), sẽ công khai danh tính các cơ sở vi phạm và ra quyết định xử phạt theo Nghị định 91 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (NĐ 91)”.
Theo ông Phong, việc xử lý các hành vi vi phạm theo NĐ 91 là hoàn toàn có sức răn đe đối với những nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trước đây, khi chưa có nghị định này thì hành vi vi phạm ATTP của các cơ sở dù lớn hay nhỏ đều xử phạt chung (ở mức thấp); nhưng sau khi có NĐ 91 thì mức xử phạt đã mang tính chất răn đe cao vì mức phạt sẽ căn cứ cả hành vi lẫn số lượng hàng hóa vi phạm (vừa qua, đã có cơ sở vi phạm ATTP bị xử phạt trên 50 triệu đồng - PV). Hơn nữa, việc công bố rộng rãi tên cơ sở vi phạm để người tiêu dùng tẩy chay, là một trong những hình thức xử phạt rất có tác dụng răn đe. Trường hợp các cơ sở này cố tình tái diễn hành vi vi phạm ATTP, thậm chí cơ quan chức năng sẽ rút giấy phép và xử lý bằng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Phương Liên