Bài 4: Kiểm nghiệm thực phẩm vẫn còn bị động
Việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến và sản xuất thực phẩm trở nên rất phổ biến, thế nhưng hệ thống kiểm nghiệm các loại hóa chất, phụ gia này lại gặp nhiều bất cập và hầu hết đều ở thế bị động.
Thiếu thiết bị hiện đại
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều loại thực phẩm có chứa hóa chất độc hại. Mới đây nhất là các loại bún, bánh phở có chứa chất độc tinopal, natri sulfite và acid oxalic.
Mỗi một loại thực phẩm chứa rất nhiều hóa chất nhưng hệ thống kiểm nghiệm lại chưa kiểm tra được hết. |
GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực phẩm nào cũng chứa hóa chất nhưng tùy thuộc vào mức độ cao hay thấp. Mỗi một loại thực phẩm bên cạnh chứa một loại phụ gia đặc trưng thì đều chứa nhiều loại phụ gia khác mà người tiêu dùng và các cơ quan chức năng khó phát hiện.
Trong khi đó, GS.BS Trần Đông A cho hay: “Trong khi các loại thực phẩm ngày càng bị lạm dụng hóa chất, phụ gia thì việc kiểm soát và giám sát của các ngành chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu. Cả năm mà chỉ tập trung kiểm tra trong tháng Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì sẽ không hiệu quả. Nên kiểm tra giám sát thường xuyên và đột xuất. Bên cạnh đó, công tác quản lý thiếu chặt chẽ, chồng chéo cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất VSATTP ngày càng ở mức báo động”.
Cũng theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, bên cạnh công tác quản lý thiếu chặt chẽ thì hệ thống kiểm nghiệm cũng bất cập và đang ở tình thế “bị động”. “Dù hiện nay chúng ta có một số phòng kiểm nghiệm khá hiện đại nhưng chỉ mới kiểm soát được một số loại hóa chất nhất định. Ví dụ: Thông thường với bún thì chỉ kiểm tra xem có chứa hàn the hay không, còn các chất khác thì rất khó phát hiện. Chẳng hạn để xét nghiệm chất tinopal trong bún là rất khó, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và hiện đại. Vì vậy, nếu kỹ thuật kiểm định không tốt thì có thể có kết quả sai, không phát hiện chất tinopal nhưng thực chất vẫn có thể có tinopal trong bún. Mặt khác, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong kiểm nghiệm còn mỏng”, GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết.
Xã hội hóa công tác kiểm nghiệm
Với tình trạng nhiều loại hóa chất được nhập lậu qua biên giới, bên cạnh đó, việc các chất phụ gia thực phẩm vẫn được bày bán chung với hóa chất dùng cho mục đích khác nên đã dẫn đến việc khó kiểm soát về buôn bán, sử dụng hóa chất. Việc lấy mẫu, kiểm tra VSATTP ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lò giết mổ, bếp ăn tập thể... không được thường xuyên và kém hiệu quả.
Để hạn chế tình trạng mất VSATTP trong sản xuất và chế biến, GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng, trước mắt nên cắt giảm danh mục các loại hóa chất được sử dụng cho sản xuất và chế biến thực phẩm. Về lâu dài, Nhà nước nên đầu tư xây dựng hẳn một trung tâm kiểm nghiệm chuẩn độc lập, không làm dịch vụ kiểm nghiệm mà chỉ thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao, gồm: đào tạo nguồn nhân lực về kiểm nghiệm cho thành phố và khu vực; xây dựng các phương pháp kiểm nghiệm chuẩn cho các phòng kiểm nghiệm... để nâng cao hiệu quả công tác kiểm định thực phẩm.
Một giải pháp khá quan trọng, theo GS Sơn là cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm. “Cần tập hợp các phòng kiểm nghiệm có nhiều kinh nghiệm, giao cho mỗi phòng, ngoài công việc hàng ngày, có trách nhiệm theo dõi thường xuyên một mặt hàng nhất định như rau củ, thịt, sữa... Hàng tháng, các phòng kiểm nghiệm giao ban thông báo với đơn vị chức năng tình hình, hoặc nếu cần họp đột xuất khi phát hiện hiện tượng bất thường, để có biện pháp thích ứng, sẵn sàng đối phó để đảm bảo VSATTP. Đồng thời, tận dụng các phòng thí nghiệm ở các đơn vị ngoài chức năng, kể cả các phòng kiểm nghiệm tư nhân với đầy đủ phương tiện và nhân lực. Ngoài ra, cần tăng cường các labo kiểm nghiệm nhanh ở các chợ đầu mối” - GS Chu Phạm Ngọc Sơn đề xuất.
Bài và ảnh: Đan Phương
Bài cuối: Thận trọng với chất phụ gia trong thực phẩm