Không thể tách rời phát triển kinh tế - xã hội
Trong Công văn gửi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.
Về lâu dài, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (nhất là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 tại khoản 1 Điều 79 và khoản 1 Điều 75), đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất. Cùng với đó, đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Triển khai công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch tổ chức hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) trong nhiều năm liền. Với mục tiêu tiếp tục giữ vững các thành quả đạt được, tạo bước đột phá trong công tác triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, UBND thành phố Đà Nẵng kêu gọi, mỗi cơ quan, đơn vị, người dân tập trung các nguồn lực nhằm giải quyết nhanh, kịp thời các vấn đề môi trường còn phát sinh ở mỗi địa phương, khu dân cư; quản lý chặt chẽ môi trường trong các khu công nghiệp và ngay trong từng doanh nghiệp; xây dựng Khu dân cư thân thiện môi trường; phường, xã thân thiện môi trường.
Ngày Môi trường thế giới 2024 sẽ được tỉnh Đồng Nai triển khai đồng thời với các hoạt động của Dự án "Đánh giá sự phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp tác động đến biến đổi khí hậu, các biện pháp giảm thiểu và ứng phó của ngành Công Thương"; Đề án “Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”... Qua đó xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao công tác đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân địa phương.
Với mục tiêu xây dựng “Bến Tre xanh”, UBND tỉnh Bến Tre mong muốn các Sở, ban, ngành, địa phương và người dân chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân; thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Tỉnh tăng cường triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 Bến Tre có 100% xã đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Thay đổi nhận thức, hành động thiết thực
Những hoạt động có ý nghĩa đã, đang, sẽ lan tỏa rộng khắp trên cả nước, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi người dân và cộng đồng.
“Chung tay hành động vì Hà Nội Xanh” là hoạt động do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024. Sự kiện được tổ chức với mong muốn huy động sự tham gia rộng rãi của hệ thống chính trị - xã hội, tổ chức, cộng đồng; tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan tỏa nhanh trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn xã hội; cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Chiếm 50,4% dân số, phụ nữ Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc chung sức cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thành phố bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa chia sẻ, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ là một tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, hành động đẹp trong bảo vệ môi trường, tạo sự thay đổi từ những điều nhỏ nhất hàng ngày. Mỗi phụ nữ trồng thêm một cây xanh, mỗi cơ sở Hội thực hiện một công trình cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi nilon, phân loại và tái chế rác thải, sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác trái qui định để hạn chế ô nhiễm, khí thải, khói bụi...
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế tổ chức sự kiện Hue Plogging 2024 với thông điệp “Đường chạy xanh, biển trong lành” tại bãi biển Thuận An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngay từ sáng sớm, 32 đội với hơn 350 người tham gia thi đi bộ nhặt rác trên quãng đường gần 5km từ bãi biển trung tâm Thuận An đến bãi tắm cộng đồng của Tổ dân phố An Hải, phường Thuận An. Bên cạnh đó người chơi trải nghiệm vượt qua các trạm thử thách phụ bao gồm giải cứu hải âu, san hô, cá voi và rùa con. Các thử thách này khuyến khích người chơi thực hành giảm rác thải nhựa, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Qua khoảng 4 giờ đi bộ nhặt rác, các “hiệp sĩ biển” đã thu gom được gần 2 tấn rác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Trần Song cho biết, đây là lần thứ 2 Huế tổ chức sự kiện đi bộ nhặt rác, làm sạch bãi biển. Sự kiện lần thứ nhất năm 2023 đã tạo tiếng vang lớn với người dân. Ban tổ chức hy vọng sự kiện năm nay sẽ góp phần thay đổi hành vi của người dân và du khách khi đến Huế trong việc giảm sử dụng nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định để bảo vệ vùng biển Thuận An xanh, sạch, đẹp.
Tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, UBND tỉnh Quảng Trị phát động xây dựng mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2024-2030.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính kêu gọi Hội Nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Quảng Trị cùng cả nước đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa, xây dựng lối sống hài hòa, bền vững với thiên nhiên… Các cấp Hội Nông dân đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, cộng đồng dân cư chung tay phòng tránh khô hạn, phục hồi đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường; xây dựng các Câu lạc bộ bảo vệ môi trường trong hội viên nông dân, xây dựng các mô hình, điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc phục hồi đất đai, chống hạn hán và sa mạc hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau lễ phát động, gần 1.000 người tham gia dọn rác tại khu vực bãi tắm Thái Lai (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh).
Nhân Ngày Môi trường thế giới 2024, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên đã công bố, trao tặng danh hiệu Thành phố Xanh quốc gia năm 2024 cho thành phố Cần Thơ. Ông Vũ Quốc Anh, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cho biết, thành phố Cần Thơ đã triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp góp phần đưa thành phố phát triển theo hướng bền vững, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do biến đổi khí hậu, các thành phố, trong đó có Cần Thơ đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi nơi đây có thể triển khai và nhân rộng các giải pháp carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả. Để giữ vững danh hiệu Thành phố Xanh quốc gia, thành phố Cần Thơ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khuyến khích mọi hình thức giao thông ít phát thải khí carbon, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc xe điện để di chuyển; đồng thời, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; trồng cây và xây dựng nhiều công viên trong khuôn viên thành phố…/.(Hết)