Riêng đoạn kênh chính đông, kênh chính tây trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện cơ bản đã thi công xong, chưa nghiệm thu bàn giao nhưng nhiều đoạn kênh bằng bê tông bị gãy, đổ nát khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ về chất lượng công trình.
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, hàng chục tấm đan bê tông hai bên bờ kênh đã bị nứt trước đó và được đơn vị thi công xử lý kết nối các vết nứt này bằng xi măng, tạo thành các đường nổi ngang dọc trên mặt các tấm đan hai bên bờ kênh dẫn.
Đi dọc trên đoạn kênh chính đông được đổ bằng bê tông, dễ dàng phát hiện chi chít các vết nứt ngang. Đặc biệt, có 2 đoạn kênh chính dài khoảng 10m đã bị gãy đổ, tan nát, từng lớp bê tông bị cuốn bay, chỉ còn trơ lại lớp đất đỏ bazan. Cạnh đoạn bê tông vỡ nát là các tấm bê tông khác đã nứt ngang và chờ đổ sập. Một số chỗ, hiện trường còn lại là những mảng bê tông vỡ vụn dưới đáy kênh chính. Còn tại kênh chính tây, ngoài các vết nứt trên kênh, cũng có hàng chục mét kênh bê tông bị sụt lún, bể nát, tại một số điểm khác các mảnh vỡ bê tông của các tấm đan này đã bị múc đổ lên rừng cao su bên cạnh.
Được biết, 2 tuyến kênh chính đông và chính tây đoạn qua tỉnh Gia Lai được chia làm 4 gói thầu do liên danh 9 nhà thầu thi công. Trong đó, kênh chính đông gồm gói số thầu số 4 (do liên danh Công ty Xây dựng và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa; Công ty Xây dựng miền Trung Tây Nguyên thi công) và gói số 5 (do liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Nông thôn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Kinh doanh, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh thi công).
Kênh chính tây gồm 2 gói số 8 (do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhân lực Việt Nam thi công) và gói số 9 (do liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh và Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Nông thôn 10 thi công).
Ngày 21/7, trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư dự án Thủy lợi Ia Mơr) cho biết, đã nắm được thông tin hư hỏng ở kênh chính đông, kênh chính tây; đồng thời, yêu cầu các nhà thầu thi công khắc phục những điểm hư hỏng, sạt lở.
Đại diện Ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr cho rằng, toàn bộ kênh đều đổ bê tông bằng trạm trộn nên chất lượng các tấm đan bê tông đạt chuẩn. Nguyên nhân hư hỏng do mưa lớn làm xói bờ, lớp đất trên bờ kênh sạt lở, xô xuống thân kênh khiến các tấm đan bê tông bị sụt lún, gãy vỡ. Đây là công trình đang thi công, chưa nghiệm thu, bàn giao các nhà thầu phải bỏ tiền ra khắc phục, sữa chữa.
Đại diện chủ đầu tư công trình này cũng cho biết thêm, việc hư hỏng, sạt lở các tấm đan bê tông ở kênh chính đông, chính tây của Thủy lợi Ia Mơr được đơn vị phát hiện, lập biên bản cách đây nửa tháng. Qua thống kê tại thời điểm đó, đơn vị xác định có khoảng 43 tấm bê tông trên kênh chính đông, kênh chính tây bị hư hỏng. Đoạn hư hỏng hầu như như xảy ra ở các gói thầu, tập trung ở những chỗ kênh đào lớn, địa chất tan rã. Còn các trận mưa lớn liên tiếp gần đây khiến một số điểm sạt lở thêm thì đơn vị chưa có thống kê cụ thể. Các điểm sạt lở xảy ra nhiều nhất tại gói thầu số 4 (do liên danh Công ty Xây dựng và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa; Công ty Xây dựng miền Trung Tây Nguyên thi công).
Lý giải về việc thân kênh chính xuất hiện các vết nứt ngang, dọc; nhiều vị trí nứt đã được trám, để lại các vết chân chim chi chít, đại diện Ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr cho rằng, kết cấu thi công bê tông kiểu này cho phép nứt nên các vết nứt đó là bình thường, các đơn vị thi công thấy các vết nứt xấu, sợ phê bình nên bơm sika để xử lý.