Dự án khi hoàn thành được kỳ vọng giúp đảm bảo an ninh quốc phòng trên vùng biên giới; di dân, tái định cư; tưới tiêu cho khoảng 14.000 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do vướng mắc về vùng tưới nên đến thời điểm này, mặc dù công trình đã hoàn thành, song vẫn không thể sử dụng. Nhằm khắc phục tồn tại, giải pháp cấp bách trước mắt được đặt ra là xin chủ trương sử dụng nguồn vốn kết dư, để đầu tư xây dựng kênh mương phục vụ cho hơn 1.000 ha đất sản xuất sẵn có của địa phương.
Ghi nhận tại công trình, lượng nước dồi dào khoảng 180 triệu m3 đã được tích đủ trong hồ, toàn bộ hạ tầng đầu mối đã hoàn tất, song những diện tích đất sản xuất nằm ngay sát chân công trình thuỷ lợi Ia Mơr vẫn trong tình trạng khô khốc. Lâu nay vì thiếu nước nên chỉ một số ít diện tích đất sản xuất canh tác được một vụ nhờ nước “trời”, còn lại đều hoang hóa. Nguồn nước tưới từ hồ thủy lợi Ia Mơr sớm được khơi thông là ước mơ bấy lâu nay của bà con nơi đây để khai thác hiệu quả tiềm năng quỹ đất, tăng thu nhập, giúp xóa đói giảm nghèo nơi vùng biên giới đầy nắng và gió.
Anh Rơ Mah Tư cho biết, gia đình anh có 7 sào đất, mỗi năm chỉ làm được một vụ và chủ yếu trông chờ vào trời phù hộ. Mưa lúc nào thì gia đình trồng lúc đấy nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. “Nếu thủy lợi xong sớm, có kênh dẫn nước tưới, bà con có thể làm lúa hai vụ, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”, anh Rơ Mah Tư mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, nếu có hệ thống kênh mương, bà con sẽ phát triển được hai vụ, hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao, giúp địa phương xoá đói giảm nghèo bền vững hơn.
Hiện nay, vướng mắc lớn nhất là vùng tưới 8.500 ha của công trình thủy nông Ia Mơr đều là đất rừng chưa được chuyển đổi. Sau khi đã hoàn thiện các hạng mục chính, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 đã rà soát và đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống kênh nội đồng để cung cấp nước tưới cho trên 1.000 ha đất canh tác nông nghiệp sẵn có của địa phương. Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương này khoảng 50 tỷ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn kết dư còn lại của dự án la Mơr giai đoạn 2 và vốn kết dư các dự án khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng ban Quản lý Dự án thủy lợi Ia Mơr cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay trên địa bàn xã Ia Mơr có hơn 1.000 ha đất đang sản xuất nông nghiệp. Ban Quản lý sẽ sử dụng nguồn vốn kết dư để xây dựng hệ thống kênh nội đồng trên cơ sở thiết kế đã có và đánh giá hệ thống kênh nào có thể phát huy hiệu quả tưới tốt nhất và tránh đi qua những khu vực đất rừng. Ban đang yêu cầu đơn vị tư vấn sớm triển khai đánh giá và hoàn thành công đoạn giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công để làm sao mùa khô tới sẽ cung cấp đủ nước cho hơn 1.000 ha này.
Ia Mơ là vùng biên giới của huyện Chưprông (tỉnh Gia Lai) với đa số người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, chiếm gần 66%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp một vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa.
Để công trình thủy lợi Ia Mơr sớm phát huy công năng, phục vụ nhu cầu cấp thiết trong sản xuất cho người dân, chủ đầu tư đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo UBND tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư hệ thống kênh nhánh, nhằm kịp thời cấp nước tưới cho những diện tích đất nông nghiệp đã có.
Việc bước đầu tháo gỡ những vướng mắc về vùng tưới không chỉ khắc phục lãng phí của công trình thủy lợi này mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người nơi đây.