Theo UBND quận Cái Răng, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn quận xuất hiện 4 điểm sạt lở, trong đó nghiêm trọng nhất là bờ sông Bến Bạ (khu vực Phú Thuận A, phường Tân Phú) bị sạt hai lần vào ngày 16/1 và 17/2 làm ảnh hưởng 2 căn nhà, trong đó có một căn bị sụp hoàn toàn xuống sông, thiệt hại tài sản trên 133 triệu đồng.
Toàn bộ chiều dài khu vực sạt lở khoảng 120 m, trong đó đoạn đường giao thông nông thôn bị sạt lở hoàn toàn khoảng 80 m, chiều rộng lấn sâu vào bờ đoạn lớn nhất khoảng 6 m, chia cắt hoàn toàn tuyến đường giao thông nông thôn qua khu vực này. Hiện tại, sạt lở vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Sau khi sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ hộ dân có nhà bị sạt 20 triệu đồng để tạm ổn định cuộc sống. UBND thành phố mời Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tiến hành khảo sát, tìm nguyên nhân để đề xuất giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả, đảm bảo ổn định, lâu dài.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, qua điều tra, khảo sát và sử dụng phần mềm phân tích, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa ra 3 nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở khu vực nói trên, từ đó đưa ra 2 phương án khắc phục.
Cụ thể, phương án 1 là làm công trình tường kè bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép bảo vệ chống xói lở và khôi phục lại đường giao thông tại vị trí đã sạt lở. Phương án 2 sẽ gia cố rọ đá, thảm đá chống xói theo bờ hiện trạng, giải tỏa một số hộ dân trong khu vực sạt lở để làm đường mới. Tổng chiều dài điểm sạt lở cần khắc phục của cả 2 phương án đều là 150 m.
Qua phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm từng phương án, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ thống nhất chọn phương án 1 với kinh phí đầu tư dự kiến hơn 11,5 tỉ đồng. Phương án này cũng có những ưu điểm như: Tuyến kè đứng có tính thẩm mỹ cao, tính ổn định lâu dài; khôi phục lại tuyến đường hiện trạng cho người dân; không phải đền bù giải tỏa. Dự án sẽ do Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng đề nghị Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương để nhanh chóng hoàn thiện báo cáo dự án. Đồng thời, ông Dũng cũng gợi ý đơn vị tư vấn có thể kết hợp phương án 1 và 2 để triển khai thi công một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố về thủ tục, bố trí nguồn vốn để sớm khắc phục điểm sạt lở. Quận Cái Răng phối hợp các sở, ngành hữu quan để đảm bảo điều kiện thi công; tiếp tục thực hiện việc cảnh báo, mở đường đi tạm để đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho người dân…
Từ đầu năm 2020, tại Cần Thơ đã xảy ra 7 điểm sạt lở ở các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền... Trong đó, điểm sạt lở trên sông Bến Bạ là nghiêm trọng nhất. Dự báo, từ nay cho đến mùa mưa sẽ còn tiếp tục diễn ra. Năm ngoái, địa phương này đã xảy ra 25 vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại trên 14 tỉ đồng.