Từ đêm 13/7 đến 7 giờ ngày 19/7, do ảnh hưởng của bão số 3, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ 126 - 550mm, một số nơi có mưa rất to như: Tĩnh Gia 547,3 mm; Triệu Sơn 445,8mm; thành phố Thanh Hóa 0,8mm…
Mưa lớn cũng khiến 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị ngập, 6 ngôi nhà bị đổ sập và hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường giao thông lớn bị sạt lở ta luy, như: Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý). Tại thành phố Thanh Hóa có nhiều cây bị đổ gãy làm đứt đường dây điện…
Về nông nghiệp, theo thống kê đến 10 giờ ngày 19/7 đã có 365 ha lúa bị ngập trắng; 9.212 ha lúa bị ngập phất phơ; trên 1.500 ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập; 200 con gia cầm chết; 2 đập bị hư hỏng…
Hiện Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang tập trung toàn bộ máy móc, thiết bị vận hành 24/24 giờ phục vụ tiêu úng cho các vùng có diện tích lúa mới gieo sạ bị ngập, đồng thời khơi thông ách tắc dòng chảy trên các trục tiêu, kênh tiêu. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người dân khắc phục nhà sập, nhà hư hỏng nặng và xử lý cây xanh, cột điện bị đổ gãy để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu sau bão, tỉnh Thanh Hóa đã cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Các lực lượng chức năng cũng có lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Tất cả 7.457 phương tiện nghề cá với 27.901 lao động đã vào bờ hoặc tìm được nơi tránh trú an toàn nên không xảy ra thiệt hại về người và tài sản đối với ngư dân.
* Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) Nguyễn Công Quyền cho biết, mưa lớn trên địa bàn huyện diễn ra từ đêm 18/7 kèm theo gió giật mạnh khiến một cột điện bị đổ, 8 giờ ngày 19/7 toàn huyện mất điện.
Tại huyện Ba Chẽ, nước lũ đang dâng cao gây ngập lụt các cầu tràn và điểm thấp trũng. Trên tỉnh lộ 330 có hơn 10 điểm ngập lụt, trong đó cầu Khe Cát, xã Thanh Sơn bị ngập sâu hơn 1m. Tất cả các xã xung quanh tỉnh lộ 330 đều bị cô lập hoàn toàn.
Ông Nguyễn Công Quyền cho biết thêm, khu vực thị trấn Ba Chẽ là địa bàn thấp trũng nên có nguy cơ bị ngập sâu. Dự kiến chiều nay (19/7), nếu mưa không tạnh, UBND huyện sẽ có phương án di dời dân khu 3, khu 4 của thị trấn ra khỏi địa bàn để đảm bảo an toàn. Hiện hơn 300 hộ kinh doanh tại chợ trung tâm của thị trấn đã được sơ tán.
Chủ động phòng, chống bão số 3, huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, chủ động các phương án phòng, chống bão, lũ, cử lực lượng canh gác tại các điểm ngập lụt, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 dẫn đến mưa lớn trên diện rộng, nhiều địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra hiện tượng ngập lụt.