Theo đó, cơ sở không đủ điều kiện thì kiến nghị không cho đóng tàu cá theo nghị định này, đồng thời chấn chỉnh việc đăng ký, đăng kiểm đối với tàu cá.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có 15 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP, trong đó có 8 cơ sở đóng tàu cá vỏ gỗ, 5 cơ sở đóng tàu cá vỏ composite và 2 cơ sở đóng tàu cá vỏ thép. Các cơ sở này không chỉ đóng tàu cá cho ngư dân Khánh Hòa, mà còn đóng tàu cá cho ngư dân cả nước.
Điển hình như Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang, mỗi năm đóng hàng chục tàu cá vỏ composite theo Nghị định 67/NĐ-CP cho ngư dân các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên... Từ khi Nghị định 67/NĐ-CP có hiệu lực tháng 8/2014 đến nay, công suất đóng tàu cá composite của Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy luôn duy trì ở mức tối đa 12 chiếc/năm.
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP tỉnh Khánh Hòa, đến nay các tàu cá được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67/NĐ-CP đi vào hoạt động không bị sự cố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, đến đầu tháng 7/2017, địa phương có 45 chủ tàu đã và đang đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP, giảm 9 trường hợp so với trước đây. Thực hiện nghị định này, tỉnh đã có 17 tàu cá đi vào hoạt động, đang đóng mới 11 tàu, các ngân hàng đang thẩm định 17 trường hợp để ký hợp đồng tín dụng.
Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định này vẫn còn vướng mắc như, một số trường hợp được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá nhưng các ngân hàng thương mại không ký hợp đồng tín dụng với nhiều lí do khác nhau...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên đã yêu cầu các ngân hàng rà soát lại khách hàng là ngư dân, sau đó đăng ký cụ thể trường hợp cho vay vốn, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2017, địa phương có thêm 10 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP.
Bộ Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho tỉnh Khánh Hòa đóng mới 160 tàu cá, 15 tàu dịch vụ hậu cần từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67/NĐ-CP.